Slideshow image

Với người Việt chúng ta thì chiên là một loài vật nuôi không quá quen thuộc như trâu, bò. Nhưng với người Israel thì chiên là loài vật nuôi phổ biến và quan trọng. Hình ảnh con chiên và người chăn chiên đã xuất hiện xuyên suốt Kinh Thánh từ thời cựu ước đến tân ước để diễn tả mối quan hệ giữa Chúa với dân sự Ngài. Qua đó, Chúa Jesus đã được bày tỏ chính là Đấng chăn chiên nhân lành.  
Trước hết hãy tìm hiểu một số đặc tính của con chiên: 

Chiên là loài vật nuôi có nhiều đặc điểm cấu tạo yếu đuối. Trong đó điển hình là mắt của chiên rất yếu, chỉ nhìn rõ trước mắt vài feet, vì thế nó cần có người dẫn dắt. Chiên khá là hiền lành và ngây ngô, nó không giỏi nhận biết sự nguy hiểm. Đã có nhiều con chiên bị rơi xuống đồi và mất mạng chỉ vì nó thấy ở dưới đó có cỏ và cứ thế đi đến. Chiên hoàn toàn không có con đầu đàn và nó lại càng không có khả năng tự vệ hay bỏ chạy trước các loài thú dữ khác.   

Qua các đặc điểm trên chúng ta thấy rằng con chiên cần có người chăn chiên để hướng dẫn và bảo vệ chúng. Vì có những đặc điểm tương đồng nên Kinh Thánh miêu tả con người chúng ta giống như là hình ảnh của con chiên, và Chúa Jesus chính là Đấng chăn chiên nhân lành của chúng ta. 

Hãy đến với phân đoạn Kinh Thánh Giăng 10:10-11
10 Kẻ trộm chỉ đến để cướp, giết, và hủy diệt; còn Ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn. 11 Ta là người chăn nhân lành, người chăn nhân lành vì bầy chiên hi sinh mạng sống mình.  
Và phân đoạn Thi-Thiên 100:3
Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời.
Chính Ngài đã dựng nên chúng ta, chúng ta thuộc về Ngài;
Chúng ta là dân của Ngài, là bầy chiên trong đồng cỏ Ngài.  

Chúa gọi chúng ta là dân Ngài, là bầy chiên trong đồng cỏ của Ngài. Vì thế, Ngài chăn giữ và ban cho chúng ta sự sống để sống một cách sung mãn. 

Thi-thiên 23:1-6 là phân đoạn KT được nhắc đến, được giảng dạy rất nhiều  
1 Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi,   
Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.   
2 Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi,   
Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.    
3 Ngài làm tươi mới linh hồn tôi,   
Dẫn tôi vào các lối công chính    
Vì cớ danh Ngài.   
4 Dù khi con đi trong trũng bóng chết    
Con sẽ chẳng sợ tai họa nào,   
Vì Chúa ở cùng con;    
Cây trượng và cây gậy của Chúa    
An ủi con.   
5 Chúa dọn bàn cho con    
Trước mặt kẻ thù nghịch con;   
Chúa xức dầu cho đầu con,    
Chén con đầy tràn.   
6 Thật vậy, trọn đời tôi,    
Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi;   
Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va    
Cho đến lâu dài.

Phân đoạn Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời là Đấng chăn giữ chúng ta. Ngài dẫn dắt và bảo vệ chúng ta trong quyền năng, phước hạnh và tình yêu thương của Ngài. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu qua các đặc điểm về Đấng chăn nhân lành là như thế nào. 

Đấng Chăn cung ứng  

Lời Chúa trong Phi-líp 4:19 thế này
Đức Chúa Trời tôi sẽ cung ứng mọi nhu cầu của anh em theo sự giàu có vinh quang của Ngài trong Đấng Christ Jêsus.  

Đây là một câu Kinh Thánh có quyền năng và tràn đầy sự khích lệ.  

Cách đây vài năm, ở một Hội Thánh người Miến Điện tại Mỹ. Họ là những người rất đơn sơ, vừa nhập cư đến Mỹ không lâu. Họ có những nhu cầu rất bình thường như bao người là cần cung ứng xe cộ để đi lại; nhà cửa để sinh sống; công việc ổn định; con cái được học hành tử tế. Câu Kinh Thánh này (Phi-líp 4:19) đã được chia sẽ tại đó, và sau một thời gian ngắn Lời Chúa được ban ra. Sự cung ứng dư dật đã đến với họ, khích lệ Đức Tin của nhiều người.

Chúng ta không ham muốn vật chất nhưng chúng ta có nhu cầu về vật chất, điều này hoàn toàn không có gì sai. Tuy nhiên, đừng lo lắng nhưng hãy tin cậy rằng Đức Chúa Trời là Đấng cung ứng cho chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào. 

Đấng Chăn khôi phục  

Khôi phục có thể hiểu là làm trọn lại một vấn đề gì đó đã bị đổ gãy, thất bại; một ý nghĩa khác là làm cho điều đó thêm mới lại.
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp nhiều hoàn cảnh như đang đi đến sự đổ gãy, bế tắc. Thế nhưng, Chúa ban cho chúng ta Đấng chăn chiên nhân lành để Ngài khôi phục những hoàn cảnh đó của chúng ta.  

Ví dụ như đang đi trên đường thì xe bị sự cố, hư hỏng, chiếc xe cần phải được sửa chữa để có thể tiếp tục sử dụng.

Cũng như vậy, khi mà chúng ta có những nan đề không được sửa chữa, khôi phục thì cuộc sống chúng ta sẽ rất bấp bênh và gặp rất nhiều thách thức nghiệt ngã. Nhưng chúng ta có Chúa là Đấng khôi phục các hoàn cảnh mình.

Hãy nhìn xem trong Cô-rinh-tô 15:22
Như trong A-đam, mọi người đều chết; cũng vậy, trong Đấng Christ, mọi người đều sẽ sống lại.

Adam tổ phụ chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời, và Adam đã để tội lỗi, để sự chết đến với thế gian bởi sự không vâng phục Ngài. Vì thế trong Adam, kể cả chúng ta và tất cả mọi người đều sẽ kinh nghiệm sự chết bởi tội lỗi.
Nhưng trong Đấng Christ, mọi người sẽ sống lại, sẽ được phục hồi. Tấm lòng của Ngài là để khôi phục, để phục hồi những tổn thương, những vấn đề đã bị đổ gãy trong đời sống chúng ta. Qua đó chúng ta được tiếp tục bước đi theo Ngài, vui hưởng trong Ngài   

Đấng Chăn dẫn đường  

Hãy thử tưởng tượng rằng bạn đang chạy xe trên một xa lộ vào ban đêm mà không có đèn đường còn đèn từ xe của bạn thì quá lu mờ. Sự thật là không an toàn khi lái xe trong hoàn cảnh đó. Nhưng rồi từ đằng sau, xuất hiện một xe khác với đèn pha sáng bừng vượt lên phía trước. Điều đó thật tuyệt vời vì lúc này những lo lắng của bạn đã được giải quyết, bạn chỉ cần chạy theo sau xe đó thì cũng sẽ giúp bạn đến nơi mình cần đến một cách an toàn.  

Tất cả chúng ta đều cần Đức Chúa Trời dẫn đường cho chúng ta như vậy, vì sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy lu mờ, không xác định được con đường nào nên đi. Thậm chí chúng ta va phải những sự cản trở của đời này mà chúng ta không biết được rằng làm cách nào để tránh khỏi sự cản trở đó.

Kinh thánh trong phân đoạn Giăng 10:3-5 có chép
Người canh gác mở cửa và chiên nghe tiếng người chăn. Người chăn gọi tên chiên mình và dẫn ra ngoài. 4 Khi đã đem chiên ra hết thì người chăn đi trước, chiên theo sau vì chiên quen tiếng người chăn. 5 Chiên không theo người lạ, trái lại, chúng bỏ chạy vì chiên không quen tiếng người lạ.”

Chúng ta thấy hình ảnh thật đẹp giữa người chăn chiên và chiên. Đó là hình ảnh người chăn mở cửa chuồng và chiên đi theo người chăn đến nơi mà chiên cần đến hoặc nơi người chăn muốn chiên đến.
Cũng một thể ấy, khi chúng ta để Chúa Jesus là Đấng chăn chiên nhân lành của chúng ta, thì Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta thoát ra khỏi những nơi khó khăn và đến nơi phước hạnh, bình an; là nơi mà Thi Thiên nói rằng có “đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh”. Nơi mà chúng ta được vui thỏa về cả tâm linh lẫn xác thịt trong chính Ngài. 

Đấng Chăn hỗ trợ  

Hỗ trợ có nghĩa là giúp đỡ, thêm sức cho một ai đó khi người đó cần  

Khi tập GYM, đối với những bài tập nặng hoặc nguy hiểm với sức của người tập thì cần có một người bên cạnh để hỗ trợ. Người hỗ trợ đó sẽ giúp người tập chỉnh sửa tư thế tập cho chuẩn để đạt hiệu quả, đồng thời trong trường hợp người tập bị đuối sức thì người hỗ trợ sẽ giúp giữ tạ để tránh việc người tập bị tạ làm chấn thương.

Chúng ta cần một người hỗ trợ giống như vậy, vì sẽ có những lúc cuộc sống tạo cho chúng ta những áp lực thật lớn. Những lúc như vậy chúng ta cảm thấy thật mệt mỏi và đôi khi cần một ai đó hỗ trợ chúng ta. Đó là lúc Đấng chăn chiên hiện diện và bắt đầu bước vào đời sống để hỗ trợ chúng ta.  

Sự dạy dỗ của Phao-lô trong II Ti-mô-thê 4: 16-17 thế này
16 Khi ta biện hộ cho mình lần thứ nhất, không có ai ủng hộ ta cả; tất cả đều bỏ rơi ta. Xin Chúa đừng chấp trách họ! 17 Nhưng Chúa đã đứng bên ta và ban năng lực cho ta để ta có thể rao truyền Tin Lành một cách chu toàn cho tất cả dân ngoại đều nghe, và ta đã được giải cứu khỏi hàm sư tử.

Sứ đồ Phao-lô đã rao giảng Tin Lành của Chúa cho rất nhiều người ngoại, ông đã đi đến những nơi mà không có người tin Chúa, đó là mục đích mà Đức Chúa Trời đã sai phái ông. Nhưng mà công việc đó không phải lúc nào cũng suôn sẻ, không một ai ủng hộ, bênh vực hay hỗ trợ cho ông. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục công việc đó và ông cậy dựa vào Chúa là Đấng ban năng lực cho ông.
“Ban năng lực” trong nguyên bản còn có nghĩa là “hỗ trợ”
Chúa hỗ trợ cho ông trong hoàn cảnh không ai hỗ trợ. Chúa đã giúp ông vượt qua những khó khăn, bắt bớ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.  

Trong Kinh Thánh có nói đến những người được gọi là “người vác khí giới”. Họ là người mà đi theo sau những chiến binh để hỗ trợ việc mang vác vũ khí, vì sẽ rất là mất sức nếu như người chiến binh phải mang vác những vũ khí nặng nề suốt quá trình hành quân. Đến thời điểm chiến đấu thì người vác khí giới sẽ đưa những vũ khí, khiên thuẫn cho người chiến binh, người chủ của mình.

Hình ảnh người vác khí giới là một hình ảnh quen thuộc trong lịch sử Kinh Thánh cũng như lịch sử Do Thái. Đây cũng là hình ảnh mà người vác khí giới đang hỗ cho người chiến binh, người chủ của mình để chiến thắng trong những cuộc chiến.
Khi mà chúng ta có một “người vác khí giới” như vậy, chúng ta dễ dàng để đi nhanh hơn, để chiến đấu tốt hơn và dễ dàng để tập trung vào việc chiến thắng kẻ thù của chúng ta; không phải phân tâm những việc nhỏ nhặt khác.  
Mỗi một chúng ta đang đối mặt với những cuộc chiến thuộc linh. Đó có thể là trong gia đình, trong các mối quan hệ. Khi chúng ta có người hỗ trợ cho mình thì chúng ta sẽ đánh thắng những trận chiến đó theo ý muốn của Chúa một cách dễ dàng.

Đấng Chăn bênh vực  

Bênh vực – trong nguyên bản còn có nghĩa bảo vệ, biện hộ, giải cứu  

Trong Ê-sai 37:35 Lời Chúa nói thế này
35 Vì Ta và vì Đa-vít, đầy tớ Ta, chính Ta sẽ bảo vệ và giải cứu thành nầy.” Sự bảo vệ này còn có nghĩa là bênh vực

Vào thời Vua Ê-xê-chia (hậu tự của Vua Đa-vít cách 14 đời khoảng 400 năm), có giai đoạn Vua Ê-xê-chia đã lâm vào cảnh bế tắc khủng khiếp khi mà quân A-si-ri đã mang quân đến xâm lược dân Do Thái với một lực lượng khổng lồ vô số kể. Mặt khác, quân Do Thái thì rất mỏng manh không thể chống cự. Trong hoàn cảnh đó Vua đã tìm kiếm Chúa, ông tìm kiếm sự giải cứu, sự bênh vực từ Chúa. Chỉ trong một đêm, Lời Chúa ghi lại rằng một thiên sứ đã hiện ra và đánh chết 185,000 quân của A-si-ri, giải cứu dân Do Thái thoát nạn.  

Đức Chúa Trời cũng sẽ bênh vực, bảo vệ chúng ta như vậy. Nếu chúng ta trao trận chiến này cho Ngài, tập trung vào Ngài, tin cậy Ngài thì Ngài sẽ bênh vực, bảo vệ chúng ta khỏi những kẻ thủ đang tấn công chúng ta, khỏi những tường lửa, sự xấu xa mà đời này đang bủa vây chúng ta.  

Có bao giờ bạn thấy một người lạ gặp chuyện bất bình mà bạn muốn đứng ra bênh vực?
Dù đó chỉ là một người không quen biết bạn còn muốn bảo vệ muốn bênh vực cho họ, huống chi Đức Chúa Trời là Cha là Đấng chăn chiên nhân lành, Ngài sẽ đứng ra bênh vực chúng ta. Ngài không cần chúng ta cố bằng sức riêng của mình để vượt qua, mà Ngài xem trong tấm lòng chúng ta. Nếu chúng ta thờ phượng, tin cậy và tập trung vào Chúa thì chính Ngài sẽ chủ động bênh vực cho chúng ta.  

Ngày nay chúng ta đang ở trong một xã hội đầy đủ tiện ích phúc lợi, chúng ta có những sự bảo vệ, chăm sóc làm chúng ta an tâm đến từ y tế, an ninh, bảo hiểm, v.v…  Tuy nhiên đừng đặt sự tin cậy vào những điều đó, Chúa muốn chúng ta đặt sự tin cậy vào Ngài. Mặc dù Ngài sẽ sử dụng những tiện ích phúc lợi đó để đảm bảo sự bình an cho chúng ta, nhưng trên hết hãy đặt Chúa là Đấng mà chúng ta tin cậy sẽ bênh vực, bảo vệ và biện hộ cho chúng ta.
Trong những thống kê gần đây cho thấy, các phép lạ của Chúa xảy ra rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo, đang phát triển. Những nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tuy thế nhưng với tấm lòng và đức tin đơn sơ, thuần khiết Đức Chúa Trời đã làm nhiều việc lớn lao qua họ.

Điều cốt lõi là hãy đặt sự tin cậy nơi Chúa chúng ta chứ chẳng phải điều gì khác.   

Đấng Chăn ban phước    

Có một người mẹ kia nuôi hai người con, bà chỉ là một người bình thường thậm chí có những hoàn cảnh thiếu thốn. Tuy nhiên một trong hai người con của bà, khi được nuôi dưỡng, dầm thấm trong Lời Chúa đã trở nên một người rao giảng Tin Lành đầy sự xức dầu, người đó đã mang hàng ngàn người đến tiếp nhận Chúa. Khi bà kinh nghiệm điều đó, bà thấy rằng đó là phước hạnh vô cùng lớn lao trên cuộc đời bà, không có tiền bạc nào so sánh được.

Nếu chúng ta chỉ tập trung vào tiền bạc thôi thì chúng ta sẽ dễ mất đi rất nhiều những phước hạnh khác mà Chúa ban cho chúng ta. Cho nên khi chúng ta nghe rằng Chúa ban phước thì Ngài đang ban phước trên tất cả khía cạnh của cuộc sống chúng ta: tiền bạc, sức khỏe, các mối quan hệ, v.v…

Hãy xem Lời Chúa trong Hê-bơ-rơ 13: 20, 21a
20 Cầu xin Đức Chúa Trời bình an, là Đấng bởi huyết giao ước đời đời mà đem Đấng Chăn Chiên Lớn là Đức Chúa Jêsus, Chúa chúng ta, ra khỏi cõi chết, 21 ban phước cho anh em mọi ơn lành để làm theo ý muốn Ngài…

Chúa ban phước mọi ơn lành theo ý muốn Ngài không phải là ban cho những vật chất giá trị hay đáp ứng những mong muốn của chúng ta. Sự ban phước của Ngài lớn hơn như vậy, Kinh Thánh nói rằng Chúa muốn chúng ta nhận mọi phước hạnh đó để làm theo ý muốn Ngài, vì ý muốn của Ngài là tốt lành.
Cho nên nếu chúng ta có nhũng ân tứ nào những phước hạnh nào, hãy dùng những điều đó để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời vì Chúa sẽ sử dụng để xây dựng vương quốc của Ngài.  

Ban phước còn có nghĩa là lấp đầy, có nghĩa rằng khi chúng ta bị thiếu thốn điều gì đó thì khi Chúa ban phước là Ngài đang lấp đầy chỗ bị thiếu thốn đó. Chúa muốn lấp đầy tất cả những thiếu thốn, tổn thương trong lòng chúng ta. Chúa muốn lấp đầy những suy nghĩ trần tục của chúng ta bằng suy nghĩ thiên thượng của Ngài. Đó là cách mà Ngài ban phước cho chúng ta.  

Hãy biết rằng, với đời sống yêu mến và tin kính Chúa, Ngài sẽ ban phước cho bạn!   

 

Biên tập

Trần Thanh Duy