Slideshow image

 Ai trong chúng ta ít nhiều có những người bạn hoặc đã từng là bạn. Đó có thể là bạn học, là đồng nghiệp, những người có chung chí hướng, mục đích v.v… Trong những môi trường khác nhau, với nhiều người khác nhau, chúng ta có những người bạn để chia sẻ những câu chuyện, những vấn đề khác nhau.
Nhưng người bạn hữu thật sự, hay người tri kỷ không phải chỉ dừng tại đó. Khi mình có một người bạn hữu thật sự thì mình có thể chia sẻ bất cứ điều gì, kể cả những sự giấu kín, thân mật nhất của mình.
Chắc chắn rằng trong chúng ta ai cũng ao ước có được người bạn tri kỷ đó, để san sẻ những sự vui buồn và cuộc sống cho nhau, an ủi, khích lệ và giúp đỡ nhau. 

Chúng ta ao ước để có người bạn thật sự hiểu mình!

Để chúng ta hiểu rõ hơn về Chúa Jesus, một điều chúng ta cần nhận biết đó là Ngài hiểu thấu chúng ta… 

Hãy đến với phân đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 1:23
“Nầy, một trinh nữ sẽ mang thai, và sinh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai ấy là Em-ma-nu-ên,” nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.
Và phân đoạn Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 2:17-18
Vì thế mà Ngài phải trở nên giống như anh em Ngài trong mọi phương diện để Ngài có thể làm thầy tế lễ tối cao trung tín và nhân ái trong khi phục vụ Thượng Đế, nhờ đó có thể xóa tội con người. Vì chính Ngài đã chịu khổ và bị cám dỗ cho nên có thể giúp người bị cám dỗ. 

Vì chính Ngài đã sinh ra như một con người xác thịt, Ngài lớn lên và chịu sự cám dỗ như chúng ta. Ngài có đầy đủ những cảm giác, cảm xúc trải nghiệm của một con người thật sự và Ngài chính là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta nên Ngài thật sự hiểu chúng ta.

Nếu bạn đang chịu sự cám dỗ và khó khăn, hãy biết rằng Chúa Cứu Thế chúng ta cũng đã kinh nghiệm những điều đó, và vì Ngài đã vượt qua sự cám dỗ để không phạm tội thì bạn cũng vậy! 

Chúa Jesus thấu hiểu các mối quan hệ của chúng ta  

Trong sách Mác 6:3 (RVV11) có chép
Chẳng phải ông nầy là người thợ mộc, con trai Ma-ri, anh của Gia-cơ, Giô-sê, Giu-đe, và Si-môn đó sao? Các em gái ông chẳng phải đang ở đây với chúng ta sao?” Và họ vấp phạm vì Ngài. 

Chúa Jesus là một người làm nghề thợ mộc để kiếm sống trước khi Ngài bắt đầu mục vụ của mình (30 tuổi). Ngài đã bắt đầu học nghề và làm nghề từ khi còn là một thiếu niên nên Ngài có nhiều kinh nghiệm trong công việc của mình.
Ngài cũng là một anh trai cả trong gia đình với các em trai, em gái. Ngài đã lao động để kiếm sống cũng như để chăm sóc mẹ và các em trong gia đình. 

Chúa Jesus đã trải qua những giai đoạn khác nhau của cuộc sống trên đất nên Ngài hiểu các mối quan hệ trong cuộc sống chúng ta. 

Có một người kia đi làm ăn xa nhà trong một khoảng thời gian dài, qua nhiều sóng gió và kinh nghiệm xương máu bên ngoài, người đó cũng có lúc thành công lớn cũng có lúc thua lỗ. Một ngày kia khi trở về gia đình với 2 bàn tay trắng, thất bại hoàn toàn, gia đình và người thân đau xót hỏi thăm tại sao ra nông nỗi này, người đó chỉ trả lời đơn giản rằng “mọi người không hiểu được đâu”… 

Chúa Jesus không như vậy. Ngài hiểu các mối quan hệ của chúng ta, cho dù nó có biến động, lúc lên lúc xuống, Ngài vẫn nắm rõ như trong lòng bàn tay.
Ngài ao ước chúng ta chạy đến kêu cầu với Ngài, giải bày tâm sự với Ngài. Vì qua Chúa chúng ta mới có thể lấy lại tinh thần, nghị lực… để tiếp tục bước đi. 

Bạn đang tìm kiếm mối quan hệ nào?
Bạn đang gặp những rắc rối nào trong các mối quan hệ của mình? 

Hãy tìm đến Chúa Jesus, trình dâng các nhu cầu của mình, thắc mắc của mình, tâm sự của mình, thậm chí những ưu tư, lo lắng của mình cho Chúa. Vì Kinh thánh nói rằng Ngài sẽ chăm sóc cho chúng ta. 

Lời Chúa dạy dỗ trong I Phi-ê-rơ 5:7
Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài luôn chăm sóc anh em.
Và trong Giăng 15:15 có chép 
Ta không gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ không biết các việc chủ mình làm; nhưng Ta gọi các ngươi là bạn, vì Ta đã tỏ cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe nơi Cha Ta. 

Ngài là vị vua vinh hiển, Ngài đã tạo dựng nên chúng ta và rồi chúng ta đã phạm tội với Ngài cho nên chúng ta không xứng đáng để Ngài gọi là bạn. Mặc dù vậy, Ngài không nhìn chúng ta như kẻ đầy tớ thấp hèn. Nhưng Kinh Thánh bày tỏ rằng Chúa muốn chúng ta khao khát đến với Ngài, nhận biết một mối quan hệ gần gũi mật thiết với Ngài. Qua đó để chúng ta đến với Chúa Jesus như một người bạn, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống với Ngài.  

Ngày nay chúng ta có những nan đề, những đắng cay trong cuộc sống, chúng ta có nhu cầu chia sẻ để giải tỏa. Nhưng khi những điều ấy được chia sẻ với không đúng người nó sẽ như con dao hai lưỡi vì lời nói có quyền năng. Khi chúng ta nói điều tiêu cực thì những điều đó sẽ tác động đến chính chúng ta, người nghe và cả người được nói đến.
Chúa Jesus muốn chúng ta trình dâng những nhu cầu, những nan đề lên cho Ngài và Ngài sẽ giải phóng chúng ta khỏi những điều đó. Vì Ngài là bạn hữu thực sự, Ngài mang đến sự bình an cho chúng ta. 

Chúa Jesus thấu hiểu cuộc sống chúng ta  

Lời Chúa trong Hê-bơ-rơ 4:15 (BD 2011) thế này
Vì chúng ta không có một Vị Thượng Tế không thể cảm thương những yếu đuối của chúng ta, nhưng có một Vị Thượng Tế đã bị cám dỗ mọi phương diện, giống như chúng ta, nhưng chẳng phạm tội.  

Nhiều lúc chúng ta nghĩ rằng, những sự việc xảy ra trong đời sống chúng ta không ai hiểu cả. Đặc biệt là những lúc khó khăn thử thách. Nhưng lời Kinh thánh nói rằng Chúa hiểu và cảm thương cho chúng ta.  

Có các bản dịch khác nhau nhưng trong bản dịch 2011 sử dụng từ “cảm thương” diễn tả gần nhất với điều Kinh Thánh bày tỏ, vì nó bao gồm từ cảm thông và thương tiếc. 

Theo từ điển Oxford, ‘cảm thông’ là thể hiện sự thương tiếc hay phiền muộn đối với sự bất hạnh, không may, vận rủi của người khác, thường thể hiện qua các câu giao tiếp như:” Tôi rất tiếc vì sự mất mát của bạn”. Tuy nhiên, nó còn có khoảng cách, chưa thực sự nếm được cảm giác của người đó như thế nào.
Kết hợp với chữ ‘thương tiếc’, muốn nhấn mạnh rằng mình hiểu rõ và tiếc thay cho cảm giác của người đó, tin chắc sự việc đáng buồn và đáng thương tiếc đã xảy ra. Cảm nhận được rõ rằng hơn cảm xúc của người đó. Đặt mình vào trong hoàn cảnh của người đó. 

Chúa Jesus, Ngài cảm thương được cho tất cả các hoàn cảnh trong cuộc sống chúng ta.

Cuộc sống chúng ta sẽ có những thăng trầm không tránh khỏi. Nhưng hãy biết rằng Chúa Jesus thấu hiểu những thăng trầm đó, Ngài ao ước để chúng ta chạy đến với Ngài, thổ lộ với Ngài. Vì qua đó, Ngài có thể giúp đỡ chúng ta trong hoàn cảnh của chúng ta. 

Hãy nhìn xem trong Hê-bơ-rơ 4:16 (RVV11)
Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ân điển, để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời.

Ngôi ân điển chính là Chúa Jesus, hãy đến gần Ngài để nhận được sự thương xót. Hãy bày tỏ với Ngài vì Ngài cảm thương cho chúng ta. 

Chúa Jesus thấu hiểu những nỗi đau của chúng ta  

Chữ ‘thấu hiểu’ này hay còn gọi là ‘thấu cảm’. Có nghĩa là Ngài không những hiểu sự việc thôi mà còn cảm nhận sâu sắc cảm xúc của chúng ta.  
Trong bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, từ ‘thấu hiểu’ hay ‘thấu cảm’ này còn có nghĩa là sự quan tâm cảm thông, thương tiếc, lòng trắc ẩn. 

Cùng xem phân đoạn Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 10: 34 (BD2011)
Vì anh chị em đã cảm thương những người bị tù và vui lòng để cho người ta tịch thu tài sản của mình, vì biết rằng anh chị em có một tài sản tốt hơn và còn lại mãi mãi.

Câu Kinh Thánh trên nói về hoàn cảnh những tín đồ bị bắt bớ, bách hại. Đặc biệt ở đây là phải bị bỏ tù, và bị tịch thu tài sản.  

Chữ cảm thương này cũng cùng một chữ cảm thương trong câu KT Hê-bơ-rơ 4:15 chúng ta đọc ở trên. Nguyên bản tiếng Hê-bơ-rơ cũng cùng một chữ.
Đó là ‘συμπαθῆσαι’ (sym-pa-thi-se) 

Vì Chúa cảm thương cho chúng ta, nên chúng ta cũng có sự cảm thương đó cho những người khác. Đặc biệt là những người đang ở trong hoàn cảnh bắt bớ, khó khăn, đỗ gảy. 

Một giáo sư chuyên về tâm lý, ngôn ngữ học có tên là Brené Brown nhận định thế này “Sự thấu cảm giúp gia tăng gắn kết, nhưng sự cảm thông đôi khi làm giảm sự gắn kết”. Ví dụ: Khi chúng ta có một người bạn thân, gia đình người ấy thiếu thốn nghèo khó từ nhỏ, lại còn bị mồ côi cha, thiếu tình thương của người cha, nhiều lúc biểu hiện của người đó là yếu đuối, rụt rè, không tự tin. Vì những điều đó là hệ luỵ của hoàn cảnh trong quá trình lớn lên của người đó. Khi chúng ta thấu cảm hoàn cảnh đó, chúng ta sẽ không chỉ trích, lên án… thay vào đó, chúng ta động viên, khích lệ và tìm cách giúp đỡ người đó. 

Khi cảm thông, chúng ta chỉ dừng lại ở mức động viên, an ủi. Nhưng khi cảm thương hay thấu cảm đến hoàn cảnh của một ái đó, chúng ta hình dung mình trong hoàn cảnh của họ, hiểu nỗi đau của họ, và thậm chí khóc cùng họ. 

Bởi vậy Lời Chúa trong Rô-ma 12:15 chép rằng
Hãy vui với người vui, và khóc với người khóc. 

Chữ “cảm thương” (sym-pa-thi-se) được sử dụng trong Kinh Thánh có thể tóm gọn trong 4 ý sau đây:
Thương tiếc: Tôi biết bạn đang rất đau khổ.
Cảm thông: Tôi quan tâm đến nỗi đau khổ của bạn.
Thấu cảm: Tôi cảm nhận được nỗi đau khổ của bạn.
Trắc ẩn: Tôi muốn giúp bạn giảm bớt nỗi đau khổ. 

Chúa Jesus thấu cảm đến tất cả nỗii đau của chúng ta, Ngài đã thể hiện điều đó bằng hành động chứ không phải bằng Lời nói suông. Vì Chúa Jesus đã đến thế gian, Ngài đã gánh thay những đau khổ, những tội lỗi của chúng ta

Lời Chúa trong Ê-sai 53:3-5 (BD2011) có chép
3 Người đã bị người ta khinh khi và ruồng bỏ, một người kinh nghiệm những đau thương sầu khổ và quen thuộc với ốm đau bịnh tật; Người giống như kẻ ai thấy đều che mặt chẳng muốn nhìn.Người đã bị người đời khinh khi hất hủi, và chúng ta cũng chẳng coi Người ra gì. 4 Mà kỳ thật chính Người đã mang lấy những ốm đau bịnh tật của chúng ta; Người đã mang lấy những đau thương sầu khổ của chúng ta, trong khi chúng ta lại tưởng Người đã bị Ðức Chúa Trời đánh phạt, giáng họa, và làm cho khốn khổ.5 Nhưng Người đã vì những vi phạm của chúng ta mà bị đánh trọng thương, vì những tội lỗi của chúng ta mà bị tan da nát thịt. Nhờ hình phạt Người chịu, chúng ta được bình an; nhờ những thương tích Người mang, chúng ta được chữa lành. 

Đó là Chúa Jesus của chúng ta, Ngài là người bạn hữu, người tri kỷ thật sự của chúng ta. Ngài không những đến với chúng ta qua cách cảm thông thôi, mà Ngài đã đặt chính Ngài vào hoàn cảnh chúng ta. Không chỉ vậy Ngài đã chịu thay nỗi đau của chúng ta, mang lấy gánh nặng cho chúng ta, chịu hình phạt cho tội lỗi chúng ta. Ngài làm thế không chỉ để xoa dịu nỗi đau thôi mà Ngài muốn cho chúng ta được hạnh phúc, bình an và được tràn đầy sự vui hưởng trong Chúa đời đời.    

Sự dạy dỗ trong Thi-thiên 37:5 thế này         
Hãy phó thác đường lối của bạn cho CHÚA, cứ nhờ cậy Ngài, Ngài sẽ làm thành điều bạn muốn.

Ngài có tràn đầy lòng thương xót cho mỗi một chúng ta. Ngài mong muốn chúng ta được giải bày, chữa lành, được vui thoả trong Ngài.
Chúa Jesus là tri kỷ, là bạn hữu thực sự. Hãy đến với Ngài để bạn cũng tìm thấy sự vui thỏa của lòng mình. 

 

Biên tập

Trần Thanh Duy