Slideshow image

 Đức Chúa Trời đã và đang tìm kiếm những người yêu mến và làm theo Lời của Ngài. Chúa luôn luôn hứng thú đến việc quan sát chúng ta. Kỳ thực, Ngài quan sát đời sống mỗi chúng ta. Không chỉ vậy, Chúa biết hết mọi sự và nhìn thấy hết mọi sự. Cho dù lúc chúng ta đi sai lệch hay lúc chúng ta tìm kiếm Chúa, Ngài thấy hết những điều đó.  

Thi-thiên 33:13-15 (RVV11) Lời Chúa nói thế này
13Đức Giê-hô-va từ trên trời nhìn xuống,    
Ngài nhìn thấy tất cả con cái loài người.   
14Từ ngai Chúa ngự, Ngài nhìn xuống,    
Ngài xem xét mọi người ở thế gian.   
15Ngài nắn nên lòng của mọi người,    
Và xem xét mọi việc làm của họ. 

Vậy Chúa nhìn thấu chúng ta, xem xét chúng ta để làm gì?
Có ai trong chúng ta từng nghĩ đến điều đó?  

Bạn hãy thử hình dung khi có một người cứ nhìn chằm chằm vào mình. Có thể bạn sẽ thắc mắc hoặc khó chịu, hoặc cũng có thể thờ ơ với điều đó. Nhưng nếu đó là người quan trọng với bạn, bạn sẽ cố gắng làm cho bản thân tươm tất, đẹp đẽ từ ngoại hình đến cử chỉ trong mắt người đó.

Là một Cơ Đốc nhân, khi mà chúng ta biết rằng Chúa đang nhìn, đang xem xét bản thân mình thì chúng ta sẽ cố gắng tươm tất như vậy trong mắt Ngài. Chúng ta sẽ làm những điều mà chúng ta biết rằng Chúa sẽ vui lòng và tránh đi những điều khiến Ngài buồn lòng.  

Anh chị em thân mến, Đức Chúa Trời dò xét để nhìn thấy tấm lòng của chúng ta. Ngài khao khát một tấm lòng biết vâng phục tìm kiếm Chúa. Và để mỗi chúng ta có đời sống vâng phục tìm kiếm Ngài, đức tin là yếu tố đầu tiên cần có để chúng ta làm được như vậy.

Đức tin trong Chúa giúp cho chúng ta có sự khao khát làm theo ý muốn của Ngài. Hay nói cách khác, đức tin là điều kiện cần có để làm hài lòng Chúa.

Hãy xem trong Hê-bơ-rơ 11:6a (RVV11)
Không có đức tin thì không thể nào làm hài lòng Đức Chúa Trời;…”  

Như lời Kinh Thánh chép, chúng ta hoàn toàn không có khả năng nào để làm hài lòng Chúa nếu chúng ta không có đức tin nơi Ngài. Cho nên, khi chúng ta có đức tin, chúng ta bắt đầu làm hài lòng Đức Chúa Trời.  
Việc làm hài lòng Chúa là điều mỗi một con cái Chúa cần phải làm. Đây chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi chúng ta. Không những thế, điều này mở ra những cánh cửa phước hạnh về mọi mặt trong cuộc sống chúng ta.

Vì vậy, hãy đặt đức tin nơi Chúa và làm theo Lời Ngài.

Chúng ta cùng tìm hiểu thêm làm thế nào để làm hài lòng Chúa chúng ta.  

1. Không ai tin thế chúng ta được.  

Tin thế ở đây là tin giùm cho người khác. Chúng ta không thể tin giùm cho người khác được. Mỗi một người phải tin tự chính lòng mình, cho dù có những người thân hay bạn bè thân thuộc là những người yêu mến Chúa, được ơn Chúa, họ cũng không thể tin giùm cho chúng ta được.  

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh con cái nhờ ba mẹ ăn giùm thức ăn; người vợ nhờ chồng ăn giúp phần mình;…
Những người thân với nhau sẽ vui lòng mà ăn giùm nhau, không ngượng ngùng gì cả.

Anh chị em thân mến, bạn có thể ăn giùm cho con cái bạn, vợ bạn hay chồng bạn, nhưng bạn không thể tin giùm cho họ. Bạn không thể tin giùm cho bất cứ ai khác. Mỗi một người cần có đức tin trong lòng mình, đó là sự tự nguyện.  

Cũng một lẽ đó, không ai có thể tin giùm cho chúng ta. Cho dù đó có là người gần gũi Chúa đến mức nào đi nữa cũng không thể tin giùm cho chúng ta được.  

Có những người được lớn lên trong gia đình đã có người tin Chúa (gia đình có truyền thống theo Chúa). Trong đó có những em nhỏ cứ ngỡ rằng vì ba mẹ mình tin Chúa cho nên mình đã tin rồi.

Sự thật không phải vậy, ba mẹ tin Chúa là do mối quan hệ cá nhân của họ với Chúa. Về phần mỗi một chúng ta cũng cần có mối quan hệ với Chúa cách cá nhân.  

Vì thế, lễ Báp-tem của chúng ta chỉ được làm cho những ai đã đủ lớn, đủ khôn ngoan để nhận biết rằng mình là một tội nhân và Đức Chúa Trời đã ban Chúa Jesus đến để cứu rỗi chính mình.
Khi chúng ta nhận thức được như vậy, đó là lúc chúng ta bắt đầu đặt đức tin của mình nơi Chúa. Qua đó, chúng ta ngày càng kinh nghiệm hơn mối quan hệ cá nhân với Ngài.  

Có những người tin Chúa sau này lúc đã lớn tuổi nhưng là đức tin thật. Cũng có những người sống từ nhỏ đã có gia đình tin Chúa nhưng lớn lên chưa chắc đã kinh nghiệm Chúa cách cá nhân.  

Cho dù anh em mới tin Chúa hay đã có truyền thống tin Chúa, điều đó không còn quan trọng nữa. Điều đáng quan tâm giờ này chính là chúng ta xác chứng về đức tin thật của mình để đức tin đó làm hài lòng Chúa chúng ta.  

Vậy làm thế nào để xác chứng đức tin của mình là thật?

Rất đơn giản thưa anh chị em! Từ trong tấm lòng mình, anh chị em hãy hỏi Chúa, hãy mời gọi Ngài ngự vào lòng mình. Khi đó, đức tin của chúng ta sẽ làm hài lòng Đức Chúa Trời.  

Có nhiều người khi được cầu nguyện thì rất vui mừng và tiếp nhận, thậm chí họ kinh nghiệm sự chu cấp, ban phước của Đức Chúa Trời qua những lời cầu nguyện đó. Tuy nhiên, trong nơi riêng tư một mình, họ không bao giờ dành thời gian cầu nguyện tìm kiếm Chúa mà luôn luôn chỉ dựa dẫm vào lời cầu thay của người khác.  

Chúng ta đừng nên như vậy! Mặc dầu được các đầy tớ Chúa, những người anh em khác cầu thay cho mình là một điều cần thiết và phước hạnh. Nhưng lời cầu nguyện tự chính bản thân chúng ta với Chúa và sự kinh nghiệm riêng tư với Chúa năng quyền hơn rất nhiều.
Nếu chúng ta có đức tin thật, có sự khao khát tìm kiếm mối quan hệ mật thiết với Chúa thì chúng ta đừng chỉ cầu nguyện khi có mặt người khác. Nhưng hơn hết, mỗi người hãy tìm kiếm Chúa cả trong nơi riêng tư, nơi mà chỉ có bản thân mình với Ngài. Nơi đó, chúng ta sẽ nghe tiếng Ngài, chúng ta sẽ nhận biết đường lối của Ngài và không bị dẫn đi sai lệch hoặc bị đánh lừa bởi những điều trong thế gian này.  

Kinh Thánh phân đoạn Giăng 3:36 (RVV11) thế này
Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.”

“Ai” ở đây không chỉ có nghĩa “người nào đó”, nhưng từ “ai" nhấn mạnh rằng chỉ những ai tin, người nào không tin sẽ không nhận được điều gì từ nơi Chúa.
Chúng ta không thể tin thay cho anh em của mình để họ cũng nhận được sự phước hạnh như chúng ta. Mặc dù đôi lúc vì cớ chúng ta mà Chúa đáp lại những lời cầu nguyện khi chúng ta chúc phước anh em mình. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng mối quan hệ cá nhân giữa chúng ta với Chúa cần thiết vô cùng.  

2. Đức tin khiến chúng ta trở nên công chính  

Vậy công chính là gì?  

Công chính trong bối cảnh tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là chân thật, công bình, ngay thẳng, vô tội, cung kính, chính xác, trung thành, có tính cộng đồng, và không thiên vị.
Những ý nghĩa trên bao hàm rất nhiều nhân cách tốt đẹp, điều này không chỉ làm đẹp lòng Chúa mà chắc chắn còn làm đẹp lòng những người xung quanh chúng ta nữa.  

Có ai trong chúng ta muốn theo đuổi một đời sống công chính?

Rô-ma 1:17 (RVV11)
Vì trong Tin Lành nầy, sự công chính của Đức Chúa Trời được bày tỏ từ đức tin đến đức tin, như có lời chép: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin.”    

Tổ phụ Áp-ra-ham của chúng ta đã được Chúa phán hứa với ông rằng Ngài sẽ ban cho dòng dõi của ông đông như sao trên trời, như cát bãi biển. Nhưng khi đã gần 100 tuổi, mặc dù ông đã có rất nhiều tài sản nhưng ông vẫn chưa có con. Với kinh nghiệm sống của bản thân, ông và vợ đã cho rằng hai người đã quá già để có thể sinh nở. Ông còn cho rằng người nối dõi ông là một người nô lệ được sinh ra trong nhà ông. Nhưng Chúa đến và xác chứng lại lời hứa của Ngài rằng Ngài sẽ ban cho ông một người con từ máu thịt ông chứ không phải bất cứ ai khác.  

Áp-ra-ham đã tin Lời Chúa nên Đức Chúa Trời hài lòng về điều đó và Ngài kể ông là người công chính.  

Sáng thế ký 15:6 (RVV11)
Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, nên Ngài kể ông là người công chính.  

Chúng ta nhận thấy rõ ràng, khi chúng ta tin, Đức Chúa Trời đã coi chúng ta công chính trước mặt Ngài.

Đời sống tin kính đó sẽ dẫn chúng ta đến với các giá trị nhân cách nói trên như chân thật, công bình, ngay thẳng, vô tội, cung kính, chính xác, trung thành, có tính cộng đồng, và không thiên vị. Hay nói cách khác khi chúng ta tin Đức Giê-hô-va thì những nhân cách này sẽ gắn liền với chúng ta. Không những vậy, đây còn là điều làm đẹp lòng Đức Chúa Trời chúng ta.  

Trong loạt bài về “Lời hứa”, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời có những lời hứa dành cho chúng ta. Trong đó có những lời hứa ngắn hạn cũng như lời hứa dài hạn, có những lời hứa đã được thực hiện và chưa được thực hiện. Với những lời hứa chưa được thực hiện, chúng ta hãy xác quyết với chính mình rằng “tôi tin vào những lời hứa đó” như Áp-ra-ham đã tin.
Nhờ vậy, anh chị em được kể là công chính trước mặt Chúa và Ngài vui lòng về đức tin của anh chị em.  

3. Đức tin đến bởi việc nghe Lời Chúa  

Lời Chúa trong Rô-ma 10:17 (RVV11) chép rằng
Như vậy, đức tin đến từ những điều người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng.

Khi chúng ta nghe được lời Chúa, đó là lúc chúng ta đang tiếp nhận đức tin. Hơn thế nữa, chúng ta nghe đúng chân lý, thì chúng ta sẽ tin vào chân lý. Chúng ta nghe tin lành của Đấng Cứu Thế thì chúng ta sẽ được cứu rỗi.
Đáng tiếc thay là có những người không hề được nghe chân lý thật sự. Nhưng điều mà họ nghe lại là những sự giả dối của đời này.  

Ngày nay trên khắp các phương tiện truyền thông, chúng ta sẽ nghe thấy rất nhiều điều tưởng chừng là tốt đẹp, là đúng đắn nhưng lại sai lệch với chân lý của Chúa. Đó là những tư tưởng, những xu hướng lệch lạc trên phim ảnh nhưng lại được đại chúng ủng hộ. Đó là những học thuyết, nghiên cứu có vẻ đáng tin cậy nhưng không đến từ Lời của Đức Chúa Trời.

Khi chúng ta nghe và tin những điều như vậy, chúng ta có xu hướng làm theo những điều đó. Vì vậy, chúng ta cần trang bị cho mình Lời Chúa mỗi ngày để chúng ta nhận biết những điều giả dối mà không làm theo.  

Có người kia được lớn lên trong gia đình có đạo. Sau này khi đã tìm thấy chân lý nơi Chúa, anh ấy nhận ra rằng trước kia mình chỉ nghe toàn những điều dối trá, những điều không đúng sự thật với Kinh Thánh. Tuy rằng có những nan đề được giải quyết trong phút chốc nhưng nó chỉ là tạm thời vì về lâu dài nó trở nên sai lệch. Giờ đây, chân lý của Chúa đã giải phóng anh khỏi những hình thức tôn giáo, những sự lừa dối đã từng bủa vây anh.   

Qua việc nghe lời Chúa, chúng ta đang thật sự tiếp nhận chân lý của Chúa. Và nhờ chân lý đó, chúng ta sẽ được tự do khỏi những sự lừa dối trước đây.  

Đó là lý do mà chúng ta, những người đã tin, luôn không ngừng rao truyền Lời Chúa cho người khác. Chúng ta cần ao ước mỗi ngày để có cơ hội chia sẻ về Lời Chúa cho người khác. Vì khi người ta nghe, là khi người ta bắt đầu có niềm tin. Khi nghe càng nhiều, niềm tin càng vững vàng hơn.  
Ngược lại, khi chúng ta nghe và làm theo những điều giả dối thì nó sẽ để lại hậu quả to lớn trên cuộc đời chúng ta.

Trong sách Các quan xét, Sam-sôn người Na-xi-rê là người mà Kinh Thánh nói là được Đức Chúa Trời biệt riêng để được Ngài sử dụng cho vương quốc Ngài. Ông được Chúa ban cho sức mạnh phi thường với ba điều kiện không được phạm phải đó là: không uống rượu (say xỉn), không chạm vào xác chết và không cắt tóc. Vì thế mà tóc của ông rất dài. Đức Chúa Trời đã sử dụng Sam-sôn để cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách áp bức khốn cùng của dân Phi-li-tin. Nhưng ông đã không vâng phục Chúa hoàn toàn mà làm theo những ý riêng của mình. Ông đã ăn nằm cách sai trái (không có hôn ước) với Da-li-la là một người nữ ngoại quốc xinh đẹp. Trong thời gian ăn ở với nhau, Da-li-la đã bị dân Phi-li-tin mua chuộc hòng tìm được nguyên nhân mà Sam-sôn có được sức mạnh phi thường vì dân Phi-li-tin quá kinh hãi trước sức mạnh của ông. Da-li-la ngày qua ngày đã lảm nhảm, càm ràm với Sam-sôn để biết về bí mật của ông. Sam-sôn nhiều lần nhất quyết không nói nhưng sự lảm nhảm của Da-li-la khiến ông như muốn điên lên mà nói ra bí mật. Kết quả là Sam-sôn bị Da-li-la cắt tóc và mất đi sức mạnh khiến cho ông bị dân Phi-li-tin đánh bại rồi móc mắt giải làm tù binh.

Mặc dầu câu chuyện không kết thúc ở đó nhưng điều chúng ta cần chú ý ở đây là sự lảm nhảm của Da-li-la đã khiến cho Sam-sôn nghe và làm theo.  

Chúng ta thấy, khi những điều sai trái cứ lảm nhảm bên tai chúng ta hoài thì cũng sẽ có lúc chúng ta hành động theo nó. Hậu quả là chúng ta phải gánh chịu những thất bại khôn lường. Những điều chúng ta nghe cực kì quan trọng! Vì vậy đừng để những điều của đời này lảm nhảm vào tai chúng ta. Thay vào đó, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa, tìm đọc lời Ngài, nghe những lời khuyên răn, dạy bảo của những người khôn ngoan, đặc biệt những người có nhiều kinh nghiệm từng trải trong Chúa. Khi đó, Đức Chúa Trời sẽ ban phước và hành động trên cuộc đời chúng ta cách mạnh mẽ.  

Anh chị em thân mến, những ai nghe và làm theo lời của Đức Chúa Trời, sự bình an của Chúa sẽ luôn ở cùng người đó. Mặc dầu sẽ có những trắc trở ban đầu, nhưng về sau, hoa trái công bình của Đức Chúa Trời đã được nói ở trên sẽ đầy dẫy trên người đó. Đây cũng là bí quyết để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa, đời sống tin kính sẽ được Đức Chúa Trời sử dụng để công bố đức tin và rao giảng tin lành cho những người xung quanh chúng ta.       

Biên tập      

Trần Thanh Duy