Slideshow image

Khi một người mới tin Chúa, đức tin của họ chỉ như là đức tin trẻ thơ. Đức tin đó cần được tăng trưởng qua quá trình sống theo Lời Chúa. Hơn nữa, Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta rằng có nhiều mức độ khác nhau của đức tin. Khi chúng ta hiểu rõ về những mức độ này cũng là cách để chúng ta xem xét chúng ta đang ở đâu trong đức tin của mình, qua đó giúp chúng ta có sự khao khát để đời sống đức tin được tăng trưởng hơn nữa.

Vậy các mức độ đức tin đó là gì?

Hãy cùng nhau tìm hiểu.  

1. Không hề có đức tin (vô tín)  

Đây là mức độ đầu tiên mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
Tại sao mức độ này là mức độ đầu tiên mà không phải là có một chút đức tin nào đó? Sự thật là Kinh Thánh đã bày rất nhiều về mức độ vô tín. Mức độ này không chỉ xảy ra với chỉ những người ngoại mà kể cả những người đã tự xưng mình là con cái của Chúa, là những người tự xưng là đã tin.  

Sau đây là một hình ảnh minh họa về mức độ vô tín trong chính những người theo Chúa.  

Sau khi Chúa Jesus sống lại, các sứ đồ đã được gặp Chúa và họ tin Chúa đã sống lại. Một trong các sứ đồ là Thô-ma đã không có mặt để chứng kiến việc đó nên ông không tin việc Chúa sống lại. Ông nói rằng nếu ông không gặp Ngài, không đặt ngón tay vào lòng bàn tay Ngài và vào cạnh sườn Ngài (nơi Chúa bị mũi giáo đâm xuyên qua) thì ông sẽ không tin. Dù rằng các sứ đồ cùng nhiều người khác đã xác chứng với ông việc Chúa sống lại và gặp gỡ họ nhưng ông vẫn không tin.  

Chỉ một tuần sau, Chúa Jesus hiện ra với các sứ đồ lần thứ hai có cả Thô-ma.  

Chúa Jesus phán trong Giăng 20:27 (RVV11)
27Rồi Ngài bảo Thô-ma: “Hãy đặt ngón tay con vào đây và xem bàn tay Ta. Hãy đưa bàn tay con ra và đặt vào sườn Ta. Đừng vô tín, nhưng hãy tin!”  

Mặc dầu Thô-ma đã theo Chúa Jesus 3 năm và nghe biết bao nhiêu lời giảng dạy của Chúa. Không những vậy, Chúa Jesus đã 3 lần báo trước về sự chết và sự sống lại của Ngài. Thế nhưng Thô-ma vẫn ngoan cố không tin khi được các môn đồ khác làm chứng rằng Chúa đã sống lại từ cõi chết.  

Anh chị em thân mến, Chúa Jesus đang kêu gọi mỗi một chúng ta hãy tin vào Ngài, đừng nghi ngờ lời chân lý của Ngài, đừng vô tín về những lời hứa phước hạnh mà Chúa hứa sẽ làm thành trên cuộc đời chúng ta.  

Một buổi tối nọ, Đức Chúa Jesus và các sứ đồ Ngài đang đi ngang qua biển Ga-li-lê trên một chiếc thuyền thì gặp một cơn bão. (Biển Ga-li-lê là nơi thương giao quan trọng giữa các thành phố, vùng miền thời bấy giờ như Ca-bê-na-um, Ghê-nê-xa, Ma-đa-la, Ti-bê-ri-a, Ghê-gê-xa, v.v… Băng ngang qua biển Ga-li-lê là cách nhanh chóng, thuận tiện nhất. Đó là lý do Kinh Thánh đề cập nhiều lần Chúa cùng các môn đồ qua lại nhiều lần để rao giảng Tin Lành). Lúc này, sóng ập vào thuyền, thuyền đầy nước rồi mà Chúa Jesus vẫn đang ngủ. Các sứ đồ đã đánh thức Ngài dậy, họ kêu lên rằng họ sẽ chết mất. Chúa Jesus thức dậy quở gió và ra lệnh cho biển yên lặng. Sau đó, Ngài quở trách các sứ đồ, những người đang hoảng sợ vì không có đức tin. Khi các sứ đồ thấy rằng Chúa Jesus có quyền trên cả bão tố thì họ kinh hãi.  

Mác 4:40 (BD2011) 
40Ngài nói với họ, “Tại sao các ngươi sợ? Các ngươi vẫn chưa có đức tin sao?” (Xem thêm Lu-ca 24-25: …Đức tin của các ngươi đâu rồi…?)

Trong hai phân đoạn Kinh Thánh Mác và Lu-ca, Chúa Jesus đều nhấn mạnh chung một ý nghĩa là “các con vẫn không tin sao?”.
Kính thưa quí vị, nếu Chúa hỏi chúng ta rằng “con vẫn không tin sao?” thì quý vị thấy thế nào? Chúng ta thấy khi Chúa hỏi như vậy với ai đó thì có nghĩa là người đó hoàn toàn không có đức tin.  

Các sứ đồ đã kinh ngạc đến nỗi không ai có thể tin Ngài và quyền năng Ngài trong hoàn cảnh bão tố này. Mặc dầu các sứ đồ trong hoàn cảnh này chưa hề dám tin Chúa có thể làm những việc quyền năng, nhưng bởi ân điển và sự thương xót của Chúa nên Ngài cũng đã thực hiện điều đó.  
Đây là mức độ mà sẽ thật tốt khi không có ai trong chúng ta ở mãi trong đó. Có thể sẽ có những khoảnh khắc chúng ta dường như không có chút đức tin nào cả, nhưng hãy biết rằng Lời Chúa đã chứng thực về quyền năng và những điều to lớn Ngài có thể làm trên cuộc đời chúng ta.
Khi Chúa cáo trách chúng ta về sự vô tín của mình thì đồng thời Ngài cũng khích lệ chúng ta hãy đặt đức tin nơi Ngài. Bởi vì không có điều gì quá khó với Ngài, không có nan nề nào quá lớn đối với Ngài. Nhưng trong mọi sự, Ngài đang dò xét tấm lòng mỗi chúng ta. Ngài đang nhìn xem liệu chúng ta có dám tin những việc lớn mà Ngài có thể làm trên cuộc đời chúng ta.  

2. Đức tin nhỏ bé (yếu đuối)  

Đây là mức độ ngay sau sự vô tín.
Nhiều phân đoạn Kinh Thánh chép là đức tin nhỏ bé, cũng có nhiều phân đoạn khác nói về đức tin yếu đuối. Tóm lại, đây cùng chung một mức độ vì nó phản ảnh những dấu hiệu giống nhau.  

Một lần kia (sau lần Chúa quở trách cơn bão đã nói trên), Chúa Jesus cùng các sứ đồ đi rao giảng quanh bờ biển Ga-li-lê. Vì các sứ đồ tưởng rằng Chúa Jesus đã đi trước sang bờ bên kia nên nọ lên thuyền để đi theo Ngài. Tuy vậy, Chúa Jesus vẫn còn ở bờ bên này. Đêm đó, Chúa từ bờ biển bước đi trên mặt nước đến với các sứ đồ đang còn ở giữa biển. Khi thấy có dáng người đang bước đi trên biển đến gần thuyền, các sứ đồ sợ hãi hét lên vì cho đó là ma. Thấy vậy, Chúa Jesus liền trấn an họ. Phi-ê-rơ đã dám đáp lời mà cầu nguyện với Chúa “Lạy Chúa, nếu quả là Ngài, xin truyền cho con đi trên mặt nước đến với Ngài”.  

Bởi đức tin, ông đã bước ra khỏi thuyền và bước đi được trên mặt nước. Nhưng sau đó, đức tin ông bị dao động rồi ông bắt đầu chìm xuống.  

Ma-thi-ơ 14: 30-31 (BD2011) Lời Chúa chép thế này:
30Nhưng khi Phi-ê-rơ thấy gió thổi, ông sợ hãi và bắt đầu chìm xuống, ông la lên, “Chúa ôi! Xin cứu con!” 31Ðức Chúa Jesus liền đưa tay ra, nắm lấy ông, và nói, “Hỡi người yếu đức tin! Sao ngươi còn nghi ngờ?”  

Lần này, chúng ta thấy Chúa không hỏi đức tin con ở đâu như lần trước nhưng Ngài hỏi là “hỡi kẻ yếu đức tin, sao ngươi còn nghi ngờ?”. Điều này chứng tỏ Phi-ê-rơ có thực sự tin Chúa, ông cũng tin là Chúa có thể giúp ông đi trên mặt nước.  
Nên nhớ rằng đây là thời điểm xảy ra sau thời điểm vô tín ở trên. Vì vậy, khi một người đã chứng kiến việc quyền năng Đức Chúa Trời đã thực hiện, người đó có xu hướng tăng trưởng đức tin của mình. Tuy nhiên, đức tin của Phi-ê-rơ trong phân đoạn Kinh Thánh đi trên mặt nước vẫn chưa đủ mạnh mẽ để vững vàng bước tiếp đến với Chúa. Cụ thể rằng, khi ông nhìn thấy gió thổi, ông nhìn những hoàn cảnh xung quanh mình, ông trở nên sợ hãi và bắt đầu chìm xuống.  

Kính thưa anh chị em, nếu chúng ta chỉ tập trung vào những hoàn cảnh, khó khăn của mình mà không kêu cầu Chúa thì chúng ta cũng chìm như vậy!  

Bài học rút ra cho chúng ta là không tập trung vào hoàn cảnh của mình để chúng ta không nghi ngờ, sợ hãi. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào Chúa để tiếp tục bước đi theo Ngài.  

Một cách sâu sắc hơn, chính Chúa Jesus đã nhìn thấu lý do đằng sau sự yếu đuối đức tin đó: Ngài hỏi “Sao ngươi còn nghi ngờ?".
Sự nghi ngờ này giống như kẻ thù của đức tin vậy! Mà đã là kẻ thù thì sẽ chống nghịch với nhau.

Nếu sự nghi ngờ càng lớn, thì đức tin càng yếu đuối. Ngược lại, nếu đức tin càng lớn, thì sự nghi ngờ càng nhỏ bé.  

Hai điều này tỉ lệ nghịch với nhau.  

Hãy xem cùng trong Gia-cơ 1:6-8
6Nhưng phải cầu xin bằng đức tin, không chút nghi ngờ, vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió dập dồi và cuốn đi đây đó. 7Người như thế đừng tưởng mình sẽ nhận được điều gì từ nơi Chúa, 8vì đó là một người phân tâm, không ổn định trong mọi đường lối của mình.  

Chúng ta biết rằng, để thành công trong một việc nào đó, chúng ta cần tập trung vào việc đó, thay vì sao nhãng vì những chuyện khác. Đức tin cũng vậy, khi chúng ta cầu xin Chúa điều gì thì Chúng ta cần phải tập trung vào Ngài. Nếu chúng ta để cho mình bị phân tâm bởi những điều của đời này thì nó sẽ khiến chúng ta trở nên không ổn định và nghi ngờ dẫn đến việc đức tin của chúng ta bị cuốn đi mất.  
Vì vậy, mỗi một chúng ta hãy dẹp bỏ sự nghi ngờ khỏi tấm lòng và tâm trí của mình. Nên nhớ rằng chúng ta là những người đã được Đức Chúa Trời mua chuộc với giá rất cao, chúng ta là công dân nước Thiên Đàng. Do đó, chúng ta phải đặt đức tin nơi Chúa, tập trung vào Chúa và tìm kiếm những điều thuộc về Vương Quốc Ngài, là những điều làm Chúa vui lòng.  

Trong một lần Chúa Jesus giảng dạy cho dân Do Thái, Ngài sử dụng hình ảnh hoa huệ và chim trời để ẩn dụ cho sự cung ứng của Đức Chúa Trời. Ngài nói rằng vua Sa-lô-môn là vị vua giàu có uy quyền nhất lịch sử Do Thái cũng không đẹp bằng bông hoa huệ. Tuy vậy, chúng chỉ là tạo vật của Chúa mà Ngài còn cho chúng đẹp đẽ như vậy huống chi dân của Ngài  

Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 6:30-32 (RVV11) thế này
30Vậy, hỡi những kẻ ít đức tin kia, nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn sống, mai bị ném vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho chúng mặc đẹp như thế, huống chi là các con? 31Vì vậy, đừng lo lắng mà tự hỏi: ‘Chúng ta sẽ ăn gì?’ ‘Uống gì?’ ‘Mặc gì?’ 32Vì tất cả những điều nầy các dân ngoại vẫn tìm kiếm, và Cha các con ở trên trời đã biết mọi nhu cầu của các con.

Một lần nữa Chúa Jesus phán “hỡi những kẻ ít đức tin kia”. Chúng ta thấy hoàn cảnh lần này không phải là để xin đi trên mặt nước hay xin Chúa để làm được một điều gì đó, mà là sự lo lắng về việc ăn mặc, lo lắng về sự chu cấp của Chúa.  

Giây phút mà chúng ta lo lắng là giây phút chúng ta đang yếu đuối trong đức tin của mình.  

Cũng giống như sự nghi ngờ ở trên, sự lo lắng cũng hết sức nguy hại vì nó khiến đức tin chúng ta trở nên yếu đuối.
Nếu chúng ta để cho những điều của đời này làm cho chúng ta lo lắng rằng liệu Chúa có giúp chúng ta vượt qua được những nan đề, liệu Ngài có cung ứng đủ cho đời sống chúng ta? Khi đó, đức tin của chúng ta sẽ dần đi xuống, thậm chí đánh mất đức tin của mình.
Ngược lại, Lời Chúa dạy chúng ta đừng nghi ngờ, cũng như đừng lo lắng. Nhưng trong mọi sự, chúng ta hãy đặt đức tin nơi Chúa Jesus vì Ngài là Đấng cung ứng và ban phước cho chúng ta.  

Hơn thế nữa, đây cũng là cách để chúng ta kiểm chứng lại chính mình. Khi chúng ta cảm thấy mình yếu đuối, không dám tin vào Chúa và những việc lớn lao của Ngài, thì đó là lúc chúng ta đang hoài nghi, lo lắng. Những vấn đề trong cuộc sống sẽ khiến chúng ta lo lắng nhưng hơn hết hãy nhớ rằng quyền năng của Chúa vượt trên những vấn đề đó.  

Sự yếu đuối trong đức tin là cảnh cửa đóng lại cho những phước hạnh tuôn tràn của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Sự yếu đuối này cản trở một đời sống bức phá, thành công trong Chúa. Vì vậy,chúng ta hãy rũ bỏ tất cả những sự nghi ngờ và lo lắng để chúng ta càng kinh nghiệm Chúa nhiều hơn, để đức tin chúng ta được tăng trưởng nhiều hơn.  

3. Đức tin lớn (mạnh mẽ)  

Cấp độ tiếp theo chính là người có đức tin mạnh mẽ, hay còn gọi là đức tin lớn.
Kính thưa anh chị em, đây là mức độ mà mỗi một chúng ta cần hướng đến, để trong mọi hoàn cảnh, chúng ta kinh nghiệm năng quyền và những điều kỳ diệu trên cuộc đời chúng ta.
Đây là mức độ thật đáng kinh ngạc về sự mạnh mẽ của của đức tin, thậm chí ngay cả Chúa Jesus cũng thấy kinh ngạc.  

Trong một lần trên đường đi giảng dạy, Chúa Jesus gặp một viên đội trưởng người Rô-ma. Người này có một người đầy tớ mà ông rất mực quan tâm đang bệnh nặng ở nhà. Khi nghe tin Chúa Jesus đi ngang qua, ông đã tìm đến Chúa Jesus để xin Chúa chữa cho người đầy tớ.  Trên cương vị là một người có quyền thế, ông có những người lính dưới quyền mình phải nhận lệnh từ ông. Đồng thời ông cũng nhận biết vị trí thuộc linh khi ở trước Chúa Jesus nên ông nói với Chúa rằng ông không xứng đáng để rước Chúa vào nhà. Ông tin rằng chỉ cần Chúa phán người kia được lành thì nó sẽ được lành.

Đức tin của viên đội trưởng kia đã làm Chúa Jesus kinh ngạc vô cùng.  

Kinh Thánh chép thế này trong Ma-thi-ơ 8:10-13 (RVV11)
10Nghe vậy, Đức Chúa Jêsus ngạc nhiên và phán với những người đi theo Ngài rằng: “Thật, Ta bảo các ngươi, Ta chưa thấy ai trong Y-sơ-ra-ên có đức tin như vậy. 11Ta bảo cho các ngươi biết: Từ đông phương, tây phương sẽ có nhiều người đến ngồi cùng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp trong vương quốc thiên đàng.12Nhưng các con của vương quốc lại bị ném ra chỗ tối tăm bên ngoài, nơi sẽ có than khóc và nghiến răng.” 13Rồi Đức Chúa Jêsus phán với viên đội trưởng: “Hãy về đi! Ngươi tin thể nào, thì sẽ được thể ấy.” Chính trong giờ đó, người đầy tớ được lành.  

Tuy các bản dịch tiếng Việt chỉ dùng từ “ngạc nhiên” nhưng theo bản gốc thì nghĩa đầy đủ là “cực kỳ kinh ngạc”.
Thật đáng ngạc nhiên khi một người ngoại, một người Rô-ma chứ không phải người Do Thái lại có một đức tin mạnh mẽ trong Chúa đến thế. Điều này đã khiến Chúa Jesus cực kỳ kinh ngạc. Chính bởi đức tin đó, Kính Thánh chép rằng người đầy tớ ông đã được chữa lành.  

Ngày nay Chúa Jesus đã bày tỏ tình yêu thương và ân điển của Ngài cho tất cả mọi người không chút thiên vị. Ngài bày tỏ điều đó qua hành động đó là chữa lành, giải cứu, chăm sóc chúng ta. Hơn thế nữa Ngài cứu chuộc tất cả những ai đặt đức tin nơi Ngài khỏi hỏa ngục là hồ lửa đời đời.

Một hôm, có một người phụ nữ dân Ca-na-an có con gái bị quỷ ám, đến xin Chúa Jesus chữa cho con bà. Ngài từ chối bà và nói:“Ta được sai đến, chỉ vì những chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên mà thôi.” Nhưng người phụ nữ nầy đến, quỳ xuống và thưa rằng: “Lạy Chúa, xin giúp đỡ con!” Ngài đáp: “Lấy bánh của con cái mà ném cho chó ăn là điều không phải lẽ.” Người phụ nữ lại thưa: “Lạy Chúa, đúng như vậy, nhưng chúng nó vẫn được ăn những miếng bánh vụn từ bàn chủ rơi xuống.” 

Chúng ta thấy, giống như người viên đội trưởng nói trên, người đàn bà này có đức tin lớn!  

Chúa Jesus phán trong Ma-thi-ơ 15:28 (RVV11 )
Ngài phán rằng: “Hỡi phụ nữ kia, ngươi có đức tin lớn! Điều ngươi ao ước sẽ được thành!” Ngay trong giờ ấy, con gái bà được lành.

Người phụ nữ có cô con gái bị quỷ ám khốn khổ này cũng đã được cứu chữa. Mặc dầu Chúa Jesus đã từ chối ngay từ đầu vì bà không phải người Do Thái, tuy nhiên, đức tin của bà đã làm di chuyển tấm lòng của Chúa. Quả là một đức tin đáng khâm phục!  

Xem lại các minh họa trên, chúng ta thấy hai hình ảnh đối lập nhau khi mà các sứ đồ là những người đi theo Chúa, hằng ngày bên cạnh Ngài mà khi gặp nan đề thì Chúa phải quở trách “hỡi người yếu đức tin”, thậm chí là “đừng vô tín”. Ngược lại, hình ảnh viên đội trưởng Rô-ma và người phụ nữ Ca-na-an tuy không phải dân của Chúa là dân Do Thái nhưng họ có “đức tin lớn” khiến Chúa Jesus kinh ngạc. Hơn thế nữa, họ tìm đến Chúa Jesus vì những người họ yêu thương tha thiết. Viên đội trưởng đến vì người đầy tớ mình, bà mẹ người Ca-na-an đến vì con gái mình. Họ đã đặt đức tin nơi Chúa Jesus và cả hai đều nhận được sự chữa lành.  

Ngày nay, tình yêu của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ cho tất cả chúng ta một cách rõ ràng. Không phải chỉ có người có đạo mới tin mà thôi, người không có đạo cũng có thể đặt đức tin nơi Chúa Jesus để được cứu rỗi và nhận được phước hạnh từ Ngài.  
Cho dù bạn sinh ra trong gia đình không có đạo, cho dù bạn tự dán nhãn cho mình là người Phật Giáo, người Công Giáo, người Hồi Giáo, người Cao Đài, v.v… Tất cả những nhãn dán tôn giáo đó không quan trọng. Chỉ cần bạn mở lòng tiếp nhận Chúa Jesus, đến cầu xin Ngài, trình dâng nan đề của mình lên cho Ngài và cầu nguyện với đức tin, Ngài sẽ làm thành những điều bạn cầu xin. Vì Ngài yêu thương tất cả con cái loài người. Chúa Jesus không phải là tôn giáo, nhưng Ngài là mối quan hệ thân thiết, gần gũi với chúng ta. Khi chúng ta khao khát Ngài, Chúa sẽ trả lời chúng ta.  

Ngày nay cũng có nhiều người tự xưng là có đạo nhưng không dám tin Chúa cách mạnh mẽ như những người ngoại có thể làm.  

Xuyên suốt Kinh Thánh Tân Ước chỉ có 2 lần ghi chép lại Chúa Jesus cực kì kinh ngạc. Lần thứ nhất là sự vô tín của dân Do Thái tại chính quê hương Chúa là Na-xa-rét. Lần thứ hai Chúa kinh ngạc chính là đức tin của viên đội trưởng người Rô-ma. Mặc dầu chữ kinh ngạc trong câu chuyện người phụ nữ Ca-na-an diễn tả nhẹ hơn so với câu chuyện của viên đội trưởng, nhưng chắc chắn rằng đức tin của cả hai người đều khiến Chúa Jesus kinh ngạc một cách lạ lùng.

Kinh thưa anh chị em, chỉ cần tin thôi, mọi việc đều có thể.  Đức tin mạnh mẽ cũng có thể làm Chúa kinh ngạc. Không những thế, người có đức tin như vậy sẽ luôn thành công trong mọi việc mình làm và sống đời sống đẹp lòng Chúa.   

Biên tập      

Trần Thanh Duy