Sứ điệp về các mức độ đức tin tuần vừa rồi đã giúp chúng ta nhìn nhận bao quát hơn về đức tin trong Chúa là như thế nào. Đức tin là cánh cửa mở ra cho rất nhiều sự phước hạnh trong cuộc đời chúng ta, trong đó bao gồm sự cứu rỗi. Vì Lời Chúa chép rằng chúng ta được cứu nhờ ân điển bởi đức tin, không phải bởi việc làm (Ê-phê-sô 2:8). Vì thế, đức tin rất quan trọng đối với niềm tin của một cơ đốc nhân. Đáng ngạc nhiên thay, khi đã nói đến đức tin thì những hình thức tôn giáo không còn quan trọng nữa. Mặt khác, Chúa vui lòng hơn về tấm lòng đầy đức tin nơi Ngài thay vì giữ lễ nghi tôn giáo nhưng đời sống không dám tin cậy Chúa.
Chúng ta đã chứng kiến các câu chuyện Kinh Thánh bài học trước, những người theo Chúa, được gọi là môn đệ của Chúa, thậm chí được chính Chúa Jesus chỉ định là xứ đồ của Ngài, vậy mà đức tin của họ trong những ngày tháng đầu theo Chúa dường như không có hoặc rất ít ỏi, yếu ớt. Trái lại, những người bị coi là người ngoại, không có chút gì dính dáng đến đạo và hình thức tôn giáo như viên đội trưởng người Rô-ma và người phụ nữ Ca-na-an lại đặt đức tin rất lớn nơi Chúa. Họ cũng là những người đã làm Chúa Jesus cực kì kinh ngạc. Chưa hết, đức tin của họ đã mở ra cánh cửa cho sự chữa lành trên những người họ yêu thương. Hay nói cách khác, đức tin lớn trong Chúa đã giúp họ giải quyết được nan đề của mình.
Hãy cùng nhau tìm hiểu
Đây là dấu hiệu thiết thực và trực quan nhất để xác định một người thật sự tin hay không. Vì khi hành động xảy ra, người ta có thể quan sát được.
Chúng ta thấy hình ảnh của viên đội trưởng và người phụ nữ Ca-na-an, họ đều không chỉ tin Chúa Jesus có thể chữa lành cho người họ yêu thương, mà họ còn thể hiện bằng hành động chạy đến tìm gặp Chúa và chủ động trong mọi việc mình. Nếu họ tin mà chỉ ngỗi ở nhà không làm gì cả, liệu họ có nhận được điều lòng họ ao ước?
Chúng ta cũng nên học như vậy. Hãy làm theo lối sống tìm kiếm Chúa cách tích cực bằng hành động. Có nhiều người năm mới đã vạch ra nhiều kế hoạch, mục tiêu phải đạt được trong năm tới là gì. Nếu không có hành động cụ thể thì liệu có thể đạt được thành tựu nào không?
Trong ngành sale bán hàng, các công ty luôn muốn nhân viên của mình bán được thật nhiều sản phẩm để có được doanh thu cao. Mỗi ngày trước khi gặp khách hàng, tất cả nhân viên thông thường được huấn luyện, trang bị tinh thần để làm thật tốt. Không những vậy, họ đặt ra chỉ tiêu mỗi ngày phải đạt được thậm chí nhiều lúc vạch sẵn chỉ tiêu của một tuần hay một tháng. Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp họ đạt được chỉ tiêu đặt ra đó chính là các hành động cụ thể đì kèm.
Đời sống trong Chúa cũng vậy, những hành động cụ thể là cực kì cần thiết để giúp mỗi chúng ta tăng trưởng trong Ngài. Nếu chúng ta khao khát được gần gũi Chúa hơn thì hãy dành thời gian với Ngài nhiều hơn qua sự cầu nguyện, qua nơi riêng tư của mình với Chúa. Nếu chúng ta muốn nghe tiếng Chúa phán với mình nhiều hơn thì hãy đọc lời Chúa nhiều hơn (cách chắc chắn và đảm bảo nhất). Nếu chúng ta mong muốn những nan đề, rắc rối của mình được giải quyết cách tốt nhất thì chúng ta cũng cần đặt ra những hành động đi kèm để giải quyết.
Gia-cơ 2:14-17 (RVV11)
14Thưa anh em của tôi, nếu một người bảo mình có đức tin nhưng không có hành động thì có ích gì không? Đức tin đó có cứu người ấy được không? 15Nếu gặp một anh em hoặc chị em không có áo che thân, thiếu thức ăn qua ngày, 16mà một người trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no,” nhưng không cung ứng những nhu cầu cho thân thể họ thì có ích gì không? 17Đức tin cũng vậy, nếu đức tin không có hành động thì tự nó chết.
Đừng để đức tin của chúng ta chết mất thưa anh chị em. Nhờ đức tin đó mà chúng ta được cứu rỗi phần linh hồn mình, vì vậy, đừng đánh mất điều đó.
Hãy hành động trong mọi sự khi chúng ta tin. Lời Chúa phân đoạn trên khích lệ người tin nên có hành động kèm theo, đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ đến những người khốn cùng khác. Chúng ta được Đức Chúa Trời lựa chọn và cứu chuộc, chúng ta không chỉ ích kỷ luôn luôn nhận cho riêng mình mà nên san sẽ những phước hạnh chúng ta có được với người khác. Qua đó, đời sống đức tin của chúng ta được trở nên trọn vẹn, đúng với tinh thần của Kinh Thánh.
Nhiều người ngày nay rất dễ mạnh miệng nói rằng tôi là cơ đốc nhân, tôi là người tin Chúa nhưng họ không hành động theo điều họ nói. Có những người nhiều lúc mở miệng nói chuyện thì thường xuyên đề cập đến Chúa và thích thể hiện mình là con chiên ngoan đạo nhưng trong lòng thì hoàn toàn trống rỗng và không hề biết Chúa Jesus cách cá nhân. Họ hành động theo bản tính xác thịt của mình, họ làm những điều họ cho là phải mặc dầu những điều đó trái ngược với lời Chúa (sở dỉ vì họ không biết lời Chúa và không có sự khao khát để học lời Chúa)
Kính thưa anh chị em, xin đừng để chúng ta rơi vào thực trạng đáng buồn đó. Chúng ta là những người tin thật sự và chúng ta làm theo lời Chúa. Chúng ta đặt đức tin của mình bằng hành động. Với thái độ như vậy, chúng ta biết rằng đó là dấu hiệu ấn chứng đức tin của chúng ta trong Chúa là đức tin thật.
Mọi điều lành này chính là những ơn phước, những điều tuyệt đẹp đến từ Đức Chúa Trời.
Mỗi khi nghe đến phước hạnh thì không thể không nói đến tổ phụ Áp-ra-ham. Ông đã tin Đức Chúa Trời và đã được Ngài ban phước cách dư dật. Ông kinh nghiệm sự ban phước to lớn từ Chúa về mọi mặt và ông không thiếu thốn gì.
Nhưng hãy xem Lời Chúa nói gì về các phước hạnh đó.
Ga-la-ti 3:6-9 (RVV11) 6Như Áp-ra-ham “tin Đức Chúa Trời, và ông được kể là công chính.” 7Vậy, anh em hãy nhận biết rằng những ai có đức tin là con cháu của Áp-ra-ham. 8Kinh Thánh đã thấy trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công chính bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham Tin Lành nầy: “Mọi dân tộc sẽ nhờ con mà được phước.” 9Vì thế, ai tin thì được hưởng phước với Áp-ra-ham là người có lòng tin.
Những phước hạnh to lớn mà Áp-ra-ham nhận được thì chúng ta cũng nhận được nếu chúng ta tin. Không có đức tin, chúng ta là những người đáng chịu sự rủa sả. Cả loài người đều sẽ chịu sự rủa sả và sự chết. Nhưng nhờ đức tin nơi Chúa, chúng ta thay vì nhận lãnh sự rủa sả đã nhận lãnh những ơn phước của Đức Chúa Trời.
Những điều lành, ơn phước của Chúa trên người tin vượt quá những điều mắt trần có thể xem thấy. Chúng ta đôi lúc chỉ nhìn thấy những phước lành nhỏ nhoi như tài chính, công việc, gia đình, v.v… nhưng hơn thế nữa thưa anh chị em, phước lành của Chúa là về mọi mặt và có tính chất lâu dài. Những sự vui mừng, thoả lòng, kinh nghiệm tình yêu cao quý của Đức Chúa Trời sẽ được hiển lộ rõ ràng lâu dài cho những người tin. Chưa hết, bởi đức tin chúng ta sẽ nhận lãnh sự chữa lành, giải cứu, sự bình an một cách trọn vẹn.
Một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người là trái tim. Mỗi ngày, tim đập khoảng 100.000 lần để thực hiện chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. Nhờ đó, các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể kể cả não bộ của chúng ta mới hoạt động được. Từ tim, nhiều ống dẫn máu như động mạch, tĩnh mạch, và các mạch nhỏ khác hoạt động cật lực để truyền máu đến các bộ phận cơ thể khác. Bộ phận cơ thể nào không có máu chắc chắn sẽ không hoạt động được, thậm chí bị tê liệt, vô dụng.
Đức tin cũng giống như các ống dẫn máu đó. Quan trọng hơn, đức tin là ống dẫn để nuôi sống đời sống tâm linh chúng ta. Một đời sống không có đức tin là một đời sống như đang chết, không thể sản sinh hoa trái.
Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ làm theo những điều của Thánh Linh. Nếu chúng ta không có đức tin, chúng ta sẽ làm theo những điều của xác thịt. Mà Lời Chúa dạy chúng ta rằng những điều của xác thịt sẽ chống nghịch những điều của Thánh Linh. Hay nói cách khác, ai yêu thích làm theo những điều của xác thịt thì ghét bỏ hoặc chống đối những điều của Thánh Linh.
Ga-la-ti 5:19-21a (RVV11)
19Công việc của xác thịt thật rõ ràng, đó là: Gian dâm, ô uế, buông tuồng, 20thờ hình tượng, phù phép, thù oán, gây gổ, ghen ghét, giận dữ, ích kỷ, bất bình, phe đảng, 21ganh tị, say sưa, chè chén, và những việc tương tự khác.
Đây là cách để chúng ta tiếp tục kiểm chứng đức tin của chính mình. Nếu những bông trái xác thịt con đầy dẫy trong đời sống chúng ta thì hãy điều chỉnh lối sống đức tin của mình. Vì chúng ta không thể tự nhận mình là người tin mà lại sống đời sống như người chẳng tin.
Tóm lại, anh chị em thân mến, khi chúng ta sống một đời sống tin kính là khi ống dẫn các phước hạnh sẽ tuôn tràn trong đời sống chúng ta. Những trái Thánh Linh là yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, mềm mại, trung tín, tiết độ sẽ được biểu lộ qua đời sống chúng ta. Và đó là dấu hiệu ấn chứng rằng đức tin của anh chị em là đức tin thật.
Những tuần qua, chúng ta đã học qua rất nhiều điều về đức tin. Một điều quan trọng mà trong tất cả những người tin không ai tránh khỏi đó chính là sự thử nghiệm đức tin của chính mình. Hay nói cách khác, Chúa sẽ thử nghiệm đức tin mỗi một chúng ta.
Sự thử nghiệm là một quá trình, có thể ngắn hoặc có thể dài tuỳ thuộc vào mức độ của mỗi người và tuỳ thuộc vào ý muốn của Đức Chúa Trời. Sự thử nghiệm mặc dầu căng thẳng, trong đó có lúc sẽ mệt mỏi, chán nản, nhưng khi vượt qua thì sự vui mừng, bình an ngập tràn.
Tất cả những ai đi học đều không tránh khỏi các bài kiểm tra, thi cử. Có thể là kiểm tra giữa kì hoặc cuối kì. Những bài kiểm tra, thi cử đó là cách để đánh giá thực lực của người học nhằm đưa ra hình thức khen thưởng, xếp hạng tương xứng.
Cũng một lẽ đó, sự thử nghiệm xảy ra trên cuộc đời chúng ta là để đánh giá tấm lòng của mình. Sự thử nghiệm không phải là một điều xấu, mà là vì ích lợi của mỗi chúng ta. Chúa sẽ thử nghiệm chúng ta vì Ngài muốn điều tốt nhất cho chúng ta, Ngài muốn rèn luyện chúng ta để chúng ta được tiến xa hơn, xếp hạng cao hơn, qua đó Chúa khen thưởng chúng ta một cách tương xứng.
Áp-ra-ham cũng đã bị Đức Chúa Trời thử nghiệm về việc dâng Y-sác làm của tế lễ thiêu. Qua lời Kinh Thánh, chúng ta biết rằng Áp-ra-ham phải vượt qua một khoảng thời gian dài, khó khăn mới có được một người con trai nối dõi. Ông yêu thương và quý trọng Y-sác vô cùng và không có gì có thể so sánh được. Vậy mà Đức Chúa Trời lại thử nghiệm ông để dâng (giết chết) chính con một của mình cho Chúa. Đáng ngạc nhiên thay, ông đã không tiếc con một của mình trước sự phán bảo của Chúa.
Chúng ta cùng xem đoạn Kinh Thánh dưới đây:
Sáng thế ký 22:10-12 (RVV11)
10Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để giết con mình. 11Nhưng thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ trời gọi ông: “Áp-ra-ham, Áp-ra-ham!” Ông thưa: “Có con đây.” 12Thiên sứ bảo: “Đừng ra tay hại đứa trẻ và cũng không được làm gì nó cả. Bây giờ, Ta biết rằng con thật lòng kính sợ Đức Chúa Trời vì con không tiếc con mình với Ta, dù là đứa con duy nhất của con.”
Các bạn thân mến! Đức tin của chúng ta cũng sẽ bị thử nghiệm. Cho dù bạn có muốn hay không, sự thử nghiệm này không thể tránh khỏi. Nó không thể tránh khỏi không phải vì Chúa muốn làm khó dễ chúng ta. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu xác chứng đức tin của một người có trọn vẹn hay không.
Các bài trước chúng ta có đề cập rằng Áp-ra-ham tin đức Giê-hô-va nên Ngài kể ông là công chính. Hôm nay, qua lời Chúa, chúng ta tiếp tục nhận biết rằng khi đức tin được thể hiện qua hành động bởi sự vâng phục Chúa hoàn toàn, đặt Chúa trên hết mọi sự kể cả một người nào đó quý giá nhất với mình thì đức tin đó được trở nên trọn vẹn đáng quý trọng trong mắt Đức Chúa Trời.
Bởi lẽ đó, chúng ta cần phải luôn học cách sống để đặt Chúa trên hết mọi sự. Ngài cần phải cao trọng hơn gia đình chúng ta, công việc chúng ta, người phối ngẫu của chúng ta. Vì thực chất, tất cả những điều đó đều do từ nơi Chúa mà ra. Ngài có quyền ban cho, Ngài cũng có quyền lấy lại bất cứ lúc nào. Nhưng một trong những bản tính của Đức Chúa Trời là khi Ngài đẹp lòng chúng ta, Ngài sẽ ban phước chúng ta. Vì thế, khi sự thử nghiệm đã hoàn tất, phước hạnh và ân điển của Chúa sẽ tiếp tục tuôn đổ trên đời sống chúng ta.
Nhật bản là một trong các quốc gia khó nhất khi nói đến việc truyền giáo. Vào thời điểm các giáo sĩ phương tây truyền giáo tại Nhật đầu thế kỷ 17, nhiều sự bắt bớ đã xảy ra. Các giáo sĩ và tất cả những người tin Chúa đã bị ép buộc phải dẫm đạp lên hình tượng nhỏ Chúa Jesus hoặc chối bỏ đức tin, nếu không sẽ bị tra tấn bằng biện pháp Ana-tsurushi. Đây là một sự tra tấn treo ngược người xuống hố kèm theo một vết thương ở trán để máu chảy xuống cho đến chết.
Theo thống kê của BBC năm 2019, có khoảng 2000 cơ đốc nhân ở Nhật bị giết chết khi bị tra tấn bằng biện pháp Ana-tsurushi vì họ đã giữ vừng đức tin của mình.
Đức tin của chúng ta cũng sẽ bị thử nghiệm! Bằng những cách thức khác nhau, không ai có thể tránh khỏi. Mặc dầu vậy, đừng bồi hồi lo lắng hay sợ hãi gì. Vì bí quyết giúp chúng ta vượt qua đó chính là sự tập trung vào Đấng Christ. Đời sống làm theo lời Chúa và tìm kiếm Chúa chắc chắn sẽ giúp chúng ta vượt qua sự thử nghiệm khi nó xảy ra.
Hơn thế nữa, tin vui cho chúng ta là sự thử nghiệm chính là một dấu hiệu ấn chứng rằng đức tin của chúng ta là đức tin thật. Đó là một đức tin đẹp lòng Chúa, cũng là đức tin mở ra một đời sống đắc thắng, phước hạnh dư tràn.
Vì vậy, hãy vui mừng trong hi vọng, kiên nhẫn trong hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện. (Rô-ma 12:12)
Chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua!