Slideshow image

Sự gặp gỡ Chúa là điều kiện cốt lõi để một người tin Ngài được biến đổi. Chúa mong muốn chúng ta gặp gỡ Ngài để xây dựng một mối quan hệ mật thiết với mỗi chúng ta. Chúa không cần lễ nghi tôn giáo nhưng Ngài vui lòng với những người biết khao khát tìm kiếm Chúa hết lòng.  

Khi những người trong thành phố tấp nập ồ ạt như đang gấp rút đi đến một nơi biểu diễn âm nhạc của một người nổi tiếng, ai ai cũng háo hức và mong muốn gặp được chính thần tượng của mình.  

Thiết nghĩ mỗi cơ đốc nhân đều muốn đến gặp gỡ Chúa như vậy thì tuyệt vời biết bao! Chúng ta cũng hãy khao khát và mong muốn tìm gặp Chúa giống vậy vì chỉ duy Ngài là Đấng xứng đáng để chúng ta ca ngợi. Không chỉ vậy, sự gặp gỡ Chúa thực sự mang đến lợi ích gấp bội cho chính mỗi chúng ta.  

Xuất Ê-díp-tô Ký 29:42-45
42Tế lễ thiêu phải được dâng liên tục qua mọi thế hệ, tại cửa Lều Hội Kiến trước mặt Đức Giê-hô-va, là nơi Ta sẽ gặp gỡ các con và phán dạy con. 43Ta sẽ gặp gỡ con dân Y-sơ-ra-ên tại đó; nơi nầy sẽ được thánh hóa bởi vinh quang của Ta. 44Ta sẽ thánh hóa Lều Hội Kiến và bàn thờ cũng như thánh hóa A-rôn và các con trai người để họ thi hành chức vụ tế lễ cho Ta. 45Ta sẽ ngự giữa con dân Y-sơ-ra-ên và làm Đức Chúa Trời của họ.

Phân đoạn Kinh Thánh trên nói về việc dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị để được gặp gỡ Chúa, để được chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài. Tại đó, Đức Chúa Trời hướng dẫn và dạy dỗ những điều họ phải làm. Đây là một phước hạnh to lớn cho dân Y-sơ-ra-ên vì trước đó, khi còn là nô lệ ở Ai Cập, chỉ có mỗi Môi-se là người lãnh đạo mới được gặp gỡ Chúa mà thôi. Vì vậy, chúng ta hãy khao khát gặp gỡ Chúa để nhận lãnh những ơn phước lớn lao và xem đó là mục đích cốt lõi trong đời sống của mỗi chúng ta.  

1/ Sự gặp gỡ Chúa phải là mục đích của chúng ta

Trong bối cảnh phân đoạn Lời Chúa trên, người Y-sơ-ra-ên phải thực hiện nhiều việc như: dâng các tế lễ, chọn các con vật dùng làm sinh tế, và họ phải đến lều Hội Kiến.

Lều Hội Kiến chính là nơi để gặp gỡ Chúa, đó cũng là nơi mà Kinh Thánh bày tỏ có Hòm Giao Ước mà Đức Chúa Trời dạy dân Y-sơ-ra-ên làm. Trên cuộc hành trình đến đất hứa, Chúa đi trước dẫn đường cho dân Y-sơ-ra-ên, Ngài dẫn họ trong trụ mây vào ban ngày và trụ lửa vào ban đêm. Mỗi khi trụ mây dừng tại đâu thì dân chúng cũng dừng lại tại đó và đóng trại xung quanh lều Hội Kiến.  

Xuất Ê-díp-tô Ký 29:42
Tế lễ thiêu phải được dâng liên tục qua mọi thế hệ, tại cửa Lều Hội Kiến trước mặt Đức Giê-hô-va, là nơi Ta sẽ gặp gỡ các con và phán dạy con.

Chúng ta thấy, lều Hội Kiến chính là nơi dân sự tập trung lại trong sự hiện diện của Chúa. Tại đây, họ dâng các tế lễ lên cho Chúa với mục đích cốt lõi là gặp gỡ Chúa. Sự hiện diện của Chúa trong thời Cựu Ước và trong thời Tân Ước của chúng ta có đôi chút khác biệt.

Trong thời Cựu ước, mặc dầu Ngài ở mọi lúc mọi nơi, nhưng dân Y-sơ-ra-ên phải làm nhiều điều Chúa giao phó trước khi họ có thể gặp gỡ Ngài thực sự.  

Tuy nhiên, ngày nay trong thời Tân Ước, qua huyết báu Chúa Jesus, mỗi người tin nhận Ngài đều có thể gặp gỡ Ngài ở bất cứ nơi đâu.

Vậy lều Hội Kiến ngày nay của chúng ta nằm ở đâu?

Lều Hội Kiến ở bất cứ nơi nào mà chúng ta tìm kiếm Ngài, đó có thể là trong nhà hay trong chính phòng ngủ của chúng ta. Vì thế, chúng ta có thể kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa ở bất kì nơi đâu.  

Sự gặp gỡ Chúa chính là nhu cầu của mỗi chúng ta, bởi vì chúng ta được tạo dựng để gặp gỡ Ngài, để tương giao và để bước đi trong Ngài.

Ngay từ đầu khi Chúa tạo dựng Adam và Eva, họ đã ở cùng Chúa, bước đi với Chúa và được tương giao cùng Chúa mỗi ngày. Tuy nhiên, tội lỗi đã chia cách họ với Chúa. 

Đức Chúa Trời hoàn toàn không muốn như vậy nhưng vì con người đã phạm tội nên không thể ở trong sự hiện diện thánh của Ngài.

Như trong Ê-sai 59:2 (RVV11) có chép
2Nhưng chính vì sự gian ác của các ngươi    
Đã phân cách các ngươi với Đức Chúa Trời mình,   
Và tội lỗi các ngươi đã che khuất Ngài khỏi các ngươi    
Đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.

Khi chúng ta chìm trong tội lỗi, Kinh Thánh miêu tả điều đó như là màn phân cách khiến Chúa không còn nghe thấy chúng ta nữa. Nhưng khi chúng ta tin nhận Chúa Jesus thì chúng ta được tẩy sạch tội và không còn bị phân cách nữa nhờ huyết báu của Ngài.  

Quay trở lại bối cảnh của người Y-sơ-ra-ên, Chúa đã kêu gọi và giải phóng họ ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập để thờ phượng Ngài trong hoang mạc. Chúa muốn họ đi ra khỏi nơi tội lỗi, áp bức để được gặp gỡ Ngài.  

Xuất Ê-díp-tô Ký 9:1 (RVV11)
1Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: “Hãy đi ra mắt Pha-ra-ôn và nói rằng Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của dân Hê-bơ-rơ phán: ‘Hãy để cho dân Ta đi, để chúng phụng sự Ta.

Chúa đã làm thành điều Ngài phán cho dù Vua Pha-ra-ôn có cố chấp đến mấy đi chăng nữa. Sau đó, dân Y-sơ-ra-ên đã vào trong hoang mạc dưới sự dẫn dắt của Môi-se là người được Chúa giao phó sứ mạng đó. Tại đây, họ được dạy dỗ luật pháp của Đức Chúa Trời, họ được hướng dẫn cách để thờ phượng Ngài. Tuy nhiên, điều chúng ta rất dễ bỏ lỡ ở đây chính là đằng sau những công việc Chúa dạy họ làm, cốt lõi là để mỗi cá nhân người Y-sơ-ra-ên gặp gỡ Chúa.
Cùng một lẽ đó, Chúa dạy dỗ chúng ta nhiều điều với mục đích chính yếu là để chúng ta gặp gỡ Ngài.  

Ngày nay, nhiều Cơ Đốc nhân đang bỏ lỡ việc gặp gỡ Chúa.

Nhiều người vẫn đi nhóm đều đặn, vẫn tham dự các buổi học Kinh Thánh và cầu nguyện. Họ vẫn giữ các hoặc động của Hội Thánh. Dầu vậy, họ lại bỏ lỡ việc gặp gỡ Chúa.  

Tuy rằng những hoạt động trên là tốt nhưng cốt lõi là để chúng ta gặp gỡ Chúa. Cho nên nếu không gặp gỡ Ngài, chúng ta chỉ đang làm việc tôn giáo mà thôi. Chúa muốn một mối quan hệ, chứ không phải tôn giáo, Ngài muốn sự tương giao mật thiết với mỗi con cái Ngài trên đất này.  

Anh chị em thân mến! Mục đích của tất cả những điều mà Cơ Đốc nhân làm như đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, đến Hội Thánh thờ phượng Chúa,… đều là để gặp gỡ Chúa. Thậm chí, ngay cả mục tiêu của Sự Cứu Rỗi cũng là để gặp gỡ Chúa.
Vì thế, nếu chúng ta không gặp gỡ được Chúa thì chúng ta đã bỏ lỡ điều cốt lõi nhất.  

2/ Khi gặp gỡ Chúa, Ngài sẽ phán dạy chúng ta

Hãy cùng xem lại phân đoạn Xuất Ê-díp-tô Ký 29:42
42Tế lễ thiêu phải được dâng liên tục qua mọi thế hệ, tại cửa Lều Hội Kiến trước mặt Đức Giê-hô-va, là nơi Ta sẽ gặp gỡ các con và phán dạy con.

Như Lời Chúa chép, khi chúng ta gặp được Chúa, Ngài sẽ phán dạy chúng ta.
Ngược lại, nếu không gặp được Chúa, chúng ta sẽ không được Ngài phán dạy. Khi ấy, chúng ta sẽ sống theo xác thịt chứ không phải sống theo Thánh Linh và Lời Chúa.  

Khi tưởng chừng sẽ kết thúc cuộc đời cách bình lặng, Môi-se ở tuổi 80 đã được gặp Chúa trong hoang mạc nơi bụi gai cháy. Điều này đã thay đổi cuộc đời ông hoàn toàn, Chúa đã phán dạy và giao phó ông sứ mạng giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ. Khi đã ra khỏi Ai Cập, Môi-se lại lên núi Si-nai gặp gỡ Chúa. Tại đó, Chúa phán dạy ông về 10 điều răn để truyền lại cho dân Y-sơ-ra-ên.
Hoặc về Chúa Jesus, khi Ngài đến thế gian, Ngài không chỉ đến gặp chúng ta mà thôi nhưng Ngài còn phán dạy chúng ta. Chúa phán dạy chúng ta về đức tin, sự cứu rỗi, lối sống, và nhiều điều khác nữa.  

Chúng ta thấy, khi một người được gặp gỡ Chúa, người đó sẽ nghe tiếng phán của Ngài.
Tiếng phán của Chúa sẽ thay đổi chúng ta. Sự phán dạy của Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta sống và làm theo Lời Ngài một cách dễ dàng hơn.
Khi một người được cứu bởi đức tin nơi Chúa Jesus, người đó có thể nghe tiếng phán của Ngài. Không dừng lại tại đó, Chúa muốn mỗi chúng ta thường xuyên gặp gỡ Ngài để được nghe tiếng Ngài nhiều hơn nữa.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta biết đọc Kinh Thánh là vô cùng cần thiết, nhưng liệu chúng ta có đọc với mục đích đúng đắn. Chúa muốn chúng ta có tấm lòng khao khát gặp gỡ Ngài qua việc đọc Lời Chúa với móng muốn được Ngài phán dạy chứ không phải chỉ là một công việc hình thức bên ngoài.  

Để được như vậy, khi đọc Lời Chúa, chúng ta hãy suy ngẫm và tự hỏi bản thân những điều này:

Chúa phán với tôi điều gì quan phân đoạn Lời Chúa này?
Chúa bày tỏ điều gì cho tôi về đời sống và thái độ của tôi?
Chúa có muốn tôi cầu nguyện về điều này không?  

Đồng thời, chúng ta cũng hãy kết hợp với việc ghi chép và cầu nguyện về những điều mà Chúa phán dạy khi chúng ta đọc Lời Chúa.  

Nếu chúng ta có được thái độ như vậy khi đọc Lời Chúa, chắc chắn Ngài sẽ phán dạy chúng ta.  

#3 Khi gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ được trở nên thánh

Một sự thật đầy ý nghĩa đó chính là chúng ta sẽ trở nên thánh khi chúng ta gặp gỡ Ngài.  

Vậy trở nên thánh là như thế nào?  

Sự thánh khiết này có nghĩa là biệt riêng ra khỏi những sự ô uế, tội lỗi hoặc những điều của đời này. Hay nói cách khác, khi chúng ta được trở nên thánh, chúng ta chỉ tập trung vào những điều thuộc về Đức Chúa Trời.
Vì vậy, việc trở nên thánh rất quan trọng đối với mỗi người bước đi với Chúa.

Cuộc sống ngày nay có biết bao nhiêu thú vui giải trí. Người ta tìm đến nó để hưởng những lạc thú của xác thịt. Khi một người được trở nên thánh, người đó không cần phải tham dự vào những thú vui giải trí của đời này.

Vì nếu làm theo chúng ta rất dễ bị ô uế và tác động xấu bởi những điều của đời này.  

Có những điều phần lớn người đời làm theo, nhưng con cái Chúa không nhất thiết phải làm theo. Vì Lời Chúa có chép cửa hẹp thì ít người đi nhưng dẫn đến sự sống, còn cửa rộng tuy nhiều người đi nhưng dẫn đến sự hư mất (Ma-thi-ơ 7:13-14). Cho nên chúng ta hãy tránh chạy theo những điều của đời này vì rất dễ chúng ta sẽ trở nên ô uế.  

Lê-vi- Ký 11:44a (RVV11)
44Vì Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con; hãy biệt mình ra thánh và phải thánh, vì Ta là thánh.

Chúa phán với chúng ta phải thánh có nghĩa rằng đây là một điều chúng ta có khả năng làm được. Chúa không ép buộc chúng ta nhưng Ngài biết chúng ta có khả năng trở nên thánh và điều đó phụ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta.

Xuất Ê-díp-tô Ký 29:43 (RVV11)
43Ta sẽ gặp gỡ con dân Y-sơ-ra-ên tại đó; nơi nầy sẽ được thánh hóa bởi vinh quang của Ta.

Lời Chúa nói rằng nơi mà dân sự gặp gỡ Chúa sẽ được thánh hoá bởi vinh quang của Ngài. Tại nơi đó, con cái Chúa sẽ được thánh hoá, được làm nên thánh bởi vinh quang của Chúa. Cùng một lẽ đó, Chúa sẽ thánh hóa chúng ta khi chúng ta chạy đến với Ngài thay vì tham dự vào những thú vui của đời này.

Xuất Ê-díp-tô Ký 29:44 (RVV11) 44Ta sẽ thánh hóa Lều Hội Kiến và bàn thờ cũng như thánh hóa A-rôn và các con trai người để họ thi hành chức vụ tế lễ cho Ta.

Trong bối cảnh trên, Chúa không chỉ thánh hoá dân sự, Ngài còn thánh hoá A-rôn và các con trai ông trở nên người thi hành chức vụ tế lễ để họ phụng sự Chúa.

Tương tự, ngày nay khi chúng ta được Chúa biệt riêng ra thánh, chúng ta có thể nhìn thấy sứ mạng Chúa đặt để cho mình. Qua đó, Chúa có thể sử dụng mỗi chúng ta cách khác biệt để hầu chúng ta phục vụ Ngài.  

VÌ THẾ, ĐỜI SỐNG THÁNH KHIẾT VÔ CÙNG QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI MỖI CƠ ĐỐC NHÂN  

Lời Chúa còn chép trong sách I Giăng rằng Chúa là ánh sáng, và trong Ngài không có chút tối tăm nào. Nếu chúng ta nói rằng mình được tương giao với Chúa, hay được gặp gỡ Chúa mà vẫn bước đi trong tối tăm thì chúng ta là những người nói dối (1 Giăng 1:5-6) Tiếp tục chương 2, sách I Giăng nói tiếp, nếu chúng ta biết Chúa, đã gặp gỡ Chúa nhưng lại không làm theo Lời Chúa thì chúng ta là những người nói dối.

Những điều trên có ý nghĩa gì?

Bản chất những điều này cũng giống như Lời Chúa trong phân đoạn Xuất Ê-díp-tô Ký chúng ta đọc ở trên.
Khi gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ được trở nên thánh. Chúng ta sẽ sống biệt riêng mình ra cho Chúa, không còn vướng víu và làm theo những điều của thế gian. Mục đích sống của chúng ta là để phục vụ Chúa. Do đó, chúng ta là những người nói dối nếu chúng ta xưng nhận mình là người tin Chúa, đã gặp gỡ Chúa mà còn vương vấn và làm theo những điều của đời này.  

Chúng ta không thể đã gặp gỡ Chúa mà vẫn giữ lối sống của con người cũ:
Đó là những ham muốn tội lỗi như xem phim ảnh đồi trụy, cờ bạc, rượu chè,…
Đó là những thói quen, tật xấu như chửi rủa, nóng giận, nói năng thô tục,…
Đó là một tấm lòng cay đắng, hận thù, nhỏ nhen,…
Đó là những suy nghĩ và hành động gian trá, trục lợi, hãm hại người khác,…  

Khi được gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ được thay đổi. Chúng ta sẽ từ bỏ được những điều ô uế và tội lỗi trước đây. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần phải tin tưởng và lựa chọn làm theo những điều Ngài phán dạy.  

Có những người ngày nay dù vẫn đi Hội Thánh đều đặn, đã kinh nghiệm những đại hội với âm nhạc thờ phượng tuyệt vời, đã đọc biết Lời Chúa và cầu nguyện thường xuyên nhưng vẫn không sống thánh khiết trước mặt Chúa.  

Mặc dầu những điều trên là tốt, nhưng nó chỉ là những công việc tôn giáo, nó không thể khiến chúng ta gặp gỡ Chúa và trở nên thánh khiết nếu KHÔNG CÓ tấm lòng khao khát tìm kiếm Chúa.  

Cho dù bạn đang ở đâu trên chặng đường đức tin, hãy tiếp tục khao khát cầu nguyện được gặp gỡ Chúa để kinh nghiệm sự biến đổi đời sống cá nhân qua việc được thánh hóa bởi vinh quang của Ngài. 

Biên tập        

Trần Thanh Duy