Trong bài học lần trước, chúng ta đã được biết rằng người gặp gỡ Chúa sẽ được biến đổi. Kế tiếp, gặp gỡ Chúa chính là mục đích cốt lõi của tất cả mọi việc chúng ta làm.
Không chỉ vậy, tiếp tục chuỗi bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm một giá trị lớn lao của việc gặp gỡ Chúa, đó chính là được nhận lãnh năng quyền từ Ngài.
Từ “năng quyền” trong tiếng Hê-bơ-rơ là ‘ozaz’, nguyên bản gốc của từ ozaz là Uzziah (Ô-xia). Uzziah (Ô-xia) có nghĩa là Giê-hô-va là sức mạnh của tôi.
Trong Cựu Ước, vào thời kỳ Y-sơ-ra-ên bị chia cắt, có một vị vua tên Ô-xia (783-742TCN), là vua của Giu-đa ở miền nam. Ông là vua ngay thẳng và làm theo đường lối Đức Chúa Trời. Bởi thế, ông đã được Chúa sử dụng cách mạnh mẽ để bày tỏ năng quyền của Ngài cho dân sự thời bấy giờ. Tên của ông có nghĩa là ‘Giê-hô-va là sức mạnh của tôi’.
Năng quyền (ozaz) ở đây không đến từ bản thân chúng ta mà chỉ đến từ mối quan hệ gần gũi với Chúa. Hay nói cách khác, mặc lấy năng quyền có nghĩa là chúng ta mặc lấy Đức Chúa Trời là sức mạnh của chúng ta. Bởi lẽ đó, khi mối quan hệ của chúng ta với Chúa càng mật thiết thì năng quyền của Chúa càng được thể hiện cách mạnh mẽ trên mọi mặt đời sống chúng ta.
Trong sự gặp gỡ Chúa, chúng ta bắt đầu xây dựng một mối quan hệ cá nhân với Ngài, chúng ta bắt đầu tương giao với Ngài.
Người Việt chúng ta có câu ‘Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’ Khi chúng ta càng giao du nhiều với những người xấu thì chúng ta càng có xu hướng bị tác động và làm theo những hành động xấu của họ. Ngược lại, nếu chúng ta tiếp xúc và có mối quan hệ gần gũi với những người tốt, những người sống tích cực thì nhân cách, thái độ của chúng ta cũng dần trở nên tốt đẹp như họ.
Cùng một lẽ đó, khi một người được tương giao với Chúa, người đó đang nhận lãnh những điều tốt lành và năng quyền của Chúa.
Quá trình để một người nam và một người nữ cùng nhau tiến đến một hôn nhân tốt đẹp luôn bắt đầu bằng việc gặp gỡ. Sau đó, họ sẽ tìm hiểu nhau để biết được đây có phải là người mà Chúa đặt để cho mình. Khi đã xác quyết, họ sẽ kết hôn, ăn ở với nhau rồi sinh con,… Trong quá trình đó họ cùng nhau giúp đỡ, khích lệ lẫn nhau để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Đấy chính là sự tương giao giữa hai người và nhờ vậy, mối quan hệ của họ ngày càng khắn khít.
Tương tự, việc chúng ta gặp gỡ Chúa là sự khởi đầu trong mối quan hệ giữa chúng ta với Ngài. Tuy nhiên, Chặng đường gần gũi Chúa hơn luôn còn dài đối với mỗi chúng ta, càng khao khát tìm kiếm Chúa chúng ta càng hiểu biết hơn về Ngài. Vì thế, mỗi chúng ta hãy không ngừng phát triển mối quan hệ đó để nhận lãnh sự khích lệ, quyền năng, những điều tươi mới từ Chúa chúng ta.
Dưới đây là các đặc tính về năng quyền khi chúng ta có được từ nơi Chúa.
Siêu nhiên là những điều vượt quá tự nhiên. Trong sự tương giao với Chúa, chúng không phải chỉ nhận lãnh những điều bình thường thôi đâu, nhưng là siêu nhiên.
Có những hoàn cảnh diễn ra cách tự nhiên như đói bụng thì phải ăn, khát thì phải uống để chúng ta được thoả mãn. Đó là cách cơ thể chúng ta vận hành theo tự nhiên.
Khi có năng quyền siêu nhiên từ Chúa, chúng ta có thể làm những điều vượt quá giới hạn tự nhiên. Những điều siêu nhiên đã được Kinh Thánh bày tỏ rất nhiều lần.
Những phép lạ Chúa Jesus đã làm khi Ngài đến thế gian như:
Chữa lành người phong hủi; người mù được thấy; người què được đi; người điếc được nghe.
Chúa giải phóng những người bị quỷ ám, tà linh và đủ thứ bệnh tật.
Ngài cứu sống người chết và thậm chí, chính Chúa Jesus đã sống lại từ cõi chết.
Những quyền năng siêu nhiên mà Chúa Jesus đã làm lớn lao đến nỗi kiến thức, công nghệ ngày nay cũng không thể bắt chước hay giải thích được.
Chúng ta cũng sẽ mặc lấy năng quyền siêu nhiên khi chúng ta gặp gỡ Chúa. Đây là những năng quyền vượt quá tự nhiên, vượt quá hiểu biết con người mà chúng ta chưa từng kinh nghiệm trước khi được nhận lãnh.
Hãy xem trong Công-vụ sứ đồ 3:4-8 (RVV11)
4Phi-e-rơ và Giăng nhìn thẳng vào anh rồi nói: “Hãy nhìn vào chúng tôi.” 5Anh chăm chú nhìn hai ông với hi vọng sẽ nhận được chút gì. 6Nhưng Phi-e-rơ nói với anh: “Tôi không có vàng bạc gì cả, nhưng điều tôi có thì tôi cho anh: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ người Na-xa-rét, hãy đứng dậy và bước đi!” 7Phi-e-rơ nắm tay phải anh và đỡ dậy. Lập tức hai bàn chân và mắt cá anh trở nên cứng vững. 8Anh liền nhảy lên, đứng thẳng và bước đi cùng hai ông vào đền thờ, vừa đi vừa nhảy, vừa ca ngợi Đức Chúa Trời.
Đây là công việc quyền năng mà sứ đồ Phi-ơ-rơ đã làm. Chỉ bằng lời công bố nhân danh Chúa Jesus, ông đã chữa lành cho người què bẩm sinh ngay lập tức được đứng thẳng, nhảy nhót và ca ngợi Đức Chúa Trời.
Ta-bi-tha là một người nữ môn đồ yêu mến Đức Chúa Trời nhưng bởi bệnh nặng, bà đã qua đời. Khi nghe tin ấy, Phi-ơ-rơ và các sứ đồ của Chúa tập hợp lại để quỳ gối cầu nguyện cho bà. Sau đó, ông quay sang thi thể và nói :”Hỡi Ta-bi-tha, hãy trỗi dậy”. Ngay lúc ấy, Ta-bi-tha đã sống lại và việc đó loan truyền ra khắp vùng. (Công vụ sứ đồ 9:36-42)
Chúng ta không thể kể hết những việc lạ năng quyền mà Chúa đã hành động cách siêu nhiên qua những người đã gặp gỡ Ngài.
Cũng như các sứ đồ, khi chúng ta có đức tin nơi Chúa, chúng ta có thể làm được những việc quyền năng như Chúa đã làm, thậm chí còn hơn nữa.
Giăng 14:12-14 (RVV11)
12Thật, Ta bảo thật các con, người nào tin Ta cũng sẽ làm những việc Ta làm, và sẽ làm những việc lớn hơn nữa, vì Ta đi về với Cha. 13Các con nhân danh Ta cầu xin bất cứ điều gì, Ta sẽ làm cho, để Cha được tôn vinh nơi Con. 14Nếu các con nhân danh Ta cầu xin bất cứ điều gì, Ta sẽ làm cho.”
Khi một người được gặp gỡ Chúa thật sự, người đó được mặc lấy năng quyền siêu nhiên để biến đổi chính họ và cả những người xung quanh. Cho dù hoàn cảnh có tối tăm, tồi tệ, bế tắc đến đâu thì năng quyền này cũng có thể biến đổi làm cho tươi sáng, tốt đẹp, tràn đầy bình an và vui mừng. Đó chính là năng quyền siêu nhiên của một người nhận lãnh từ Chúa.
Trong đêm Chúa Jesus bị phản nộp, Phi-ê-rơ đã chối Chúa 3 lần mặc dù trước đó ông là người có vẻ dạn dĩ, tự tin khi mà ông tuyên bố sẽ cùng chết vời Ngài. Nhưng khi gặp nan đề thật sự, ông lại lúng túng và thậm chí chối bỏ Chúa: ông nói mình không quen biết Chúa Jesus.
Sự tự tin, sự khôn ngoan của đời này khiến chúng ta lầm tưởng rằng mình mạnh mẽ. Nhưng khi nan đề ập đến, một người chưa được gặp gỡ Chúa sẽ dễ dàng chối bỏ Chúa. Ngược lại, một người đã kinh nghiệm được sự gặp gỡ Chúa, người ấy sẽ trở nên khôn ngoan và dạn dĩ vô cùng.
Nhiều người có thể dễ dàng công bố đức tin, chia sẻ những hiểu biết của mình về Lời Chúa, hay những điều mình làm được với người tin Chúa. Tuy nhiên, khi gặp những người ngoại, những người chẳng tin thì họ lại rụt rè và không dám làm chứng về Chúa Jesus cho người khác.
Dạn dĩ cho danh Chúa là cho dù bất kì hoàn cảnh nào, với bất kì ai, chúng ta cũng có thể làm chứng về Chúa Jesus cho người khác một cách mạnh mẽ, không hề sợ hãi.
Chúng ta đều được kêu gọi để trở nên mạnh mẽ và dạn dĩ. Chúa không ban cho chúng ta tinh thần nhút nhát, nhưng là tinh thần mạnh mẽ.
2 Ti-mô-thê 1:7 (RVV11)
7vì Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta tinh thần nhút nhát, nhưng tinh thần mạnh mẽ, có tình yêu thương và tự chủ.
Như Lời Chúa đã phán, Chúa ban cho chúng ta tinh thần mạnh mẽ, có tình yêu thương và tự chủ. Đó là lý do chúng ta có đủ cơ hội và khả năng để ra ngoài làm chứng cho người khác về danh Chúa.
Câu chuyện về Phi-ê-rơ từ một người đã chối bỏ Chúa đã thay đổi hoàn toàn:
Sau khi nhận lãnh Đức Thánh Linh như lời Chúa hứa, sau khi đã thật sự được gặp gỡ Chúa, sứ đồ Phi-ê-rơ đã thay đổi và trở nên dạn dĩ.
Ông giảng sứ điệp về Chúa Jesus trong ngày Lễ Ngũ Tuần và có tới 3000 người tiếp nhận Chúa.
Vì rao giảng Lời Chúa, ông đã bị bắt bớ và thậm chí có thể bị xử tử bất cứ lúc nào. Tuy nhiên ,ông không hề sợ hãi mà biện hộ cho Danh Chúa trước những nhà lãnh đạo, giới cầm quyền và người ta kinh ngạc vì ông không có học chuyên sâu nhưng lại nói lời khôn ngoan đến kinh ngạc. Họ đã chẳng thể ngăn cản việc ông rao giảng cũng như làm hại đến tính mạng của ông.
Khi chúng ta có được sự khôn ngoan và dạn dĩ để làm chứng cho danh Chúa, người đời không làm gì được chúng ta vì Chúa ở cùng chúng ta.
Khi không có năng quyền của Chúa, chúng ta không thể làm gì được. Hay nói cách khác, khi có năng quyền của Chúa, mỗi việc chúng ta làm đều đầy tràn sự mạnh mẽ, dạn dĩ bởi chúng ta biết rằng chúng ta có Chúa là Đấng toàn năng thêm sức cho chúng ta.
Chúng ta đều cần năng quyền của Chúa để khi chúng ta đặt tay trên kẻ đau thì kẻ đau được lành, khi chúng ta cầu nguyện giải cứu thì có người được giải cứu.
Chúng ta cần năng quyền để khích lệ trong hoàn cảnh như không còn hy vọng.
Chúng ta cần năng quyền của Chúa để cầu thay cho người khác khi chúng ta không có cảm giác muốn cầu thay.
Chúng ta cần năng quyền để thúc giục chúng ta tìm đọc Lời Chúa là lời hằng sống mỗi ngày, là linh lương cho chúng ta.
Vì thế mỗi chúng ta hãy khao khát tìm kiếm Chúa để nhận lãnh năng quyền biến đổi chúng ta trở nên dạn dĩ cho danh Chúa.
Khi chúng ta nói “Không” với những sự dụ dỗ của thế gian, chúng ta đang được đầy dẫy năng quyền của Chúa.
Sự thật là tội lỗi sẽ không buông tha một ai, kể cả người tin Chúa rồi. Chúng ta đang ở trong một thế giới tội lỗi, sự cám dỗ về tội lỗi luôn quyến dụ chúng ta: Gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ thần tượng, ham mê những điều của đời này, chạy theo dục vọng của xác thịt, kiêu ngạo, xấc xược, phù phép, nói xấu, vu khống, v.v… (Ga-li-ti 5: 19-21)
Dĩ nhiên những việc xấu sẽ tiếp tục xảy ra vì chúng ta đang ở trong một thế gian bại hoại và tội lỗi. Đó là lý do Chúa muốn kéo chúng ta ra khỏi đó qua việc xưng nhận đức tin nơi Chúa Jesus. Nhờ vậy, chúng ta được gia nhập vào gia đình thiên thượng là nơi không thuộc về thế gian này để phải kinh nghiệm sự đau khổ. Tuy nhiên, dù chúng ta đã tin nhận Chúa, chúng ta vẫn ở trong thế gian khi còn sống trên đất này nhưng chúng ta không thuộc về thế gian, không còn thuộc về tội lỗi.
Chúa yêu loài người đến nỗi không muốn ai phải ở trong sự hư mất của đời này. Ngài đã sắm sẵn một chỗ tốt hơn cho mỗi chúng ta. Cho nên, chúng ta không cần quan tâm tội lỗi hay những điều tối tăm đang vận hành thế nào trên đất này vì những điều này không còn liên quan gì đến người đã tin Chúa. Như lời Kinh Thánh chép, những người tin Chúa Jesus đã đoạn tuyệt với những điều của thế gian này rồi.
Đời người trên đất này rất ngắn ngủi trong mắt Chúa, nhưng số phận đời đời của chúng ta lệ thuộc vào sự chọn lựa của chúng ta trong giai đoạn ngắn ngủi đó. Vì vậy đừng tìm kiếm những điều của đời này vì tất cả chỉ là tạm bợ. Thay vào đó, chúng ta hãy tìm kiếm những điều thuộc về Đức Chúa Trời.
Chúa Jesus cũng bị Satan cám dỗ khi Ngài ở trong đồng vắng. Dù khi ấy thân thể Ngài yếu đuối nhưng tâm linh Ngài luôn mạnh mẽ để sử dụng Lời Chúa chiến thắng sự cám dỗ.
Chính Chúa Jesus cũng bị Satan cám dỗ thì chúng ta là ai mà sẽ không bị cám dỗ. Nhưng khi bị cám dỗ, chúng ta hãy làm như Chúa Jesus đã làm bằng cách dùng Lời Chúa là lời có năng quyền để khước từ tội lỗi.
Rô-ma 6:12-14 (RVV11)
12Vậy, đừng để tội lỗi cai trị trong thân thể hay chết của anh em, khiến anh em phải chiều theo dục vọng của nó. 13Đừng hiến chi thể mình làm công cụ gian ác cho tội lỗi, nhưng hãy hiến chính mình cho Đức Chúa Trời như những con người từ cõi chết sống lại, và dâng chi thể mình làm công cụ công chính cho Đức Chúa Trời. 14Vì tội lỗi sẽ không còn cai trị anh em đâu, bởi anh em không ở dưới luật pháp mà ở dưới ân điển.
Chúng ta đều là những người được tuyển chọn, có năng quyền từ Đức Chúa Trời để sống một đời sống đắc thắng, vượt qua tội lỗi.
Vì thế, phạm tội không phải là điều Chúa muốn cho mỗi chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn ở trong thế gian nên chúng ta còn phải va chạm một cách xác thịt với những điều thuộc về thế gian này. Do đó, bước đi trong Chúa để không phạm tội là một thách thức rất lớn đối với mỗi Cơ Đốc nhân.
Chúng ta có thể nay vui, mai buồn vì những điều xảy đến với đời sống mình. Vì chúng ta còn ở trong thân xác nên phải trải qua những điều trong thân xác. Nhưng đừng vì thế mà chúng ta để cho những điều bởi thân xác cầm buộc chúng ta trong tội lỗi. Chúng ta có quyền chọn để nói không với tội lỗi. Để được vậy, chúng ta phải nhận lãnh được năng quyền để chúng ta có khả năng nói không với tội lỗi. Tự bản thân chúng ta không có khả năng nhưng nhờ năng quyền từ Chúa, chúng ta sẽ vượt qua.
Khi phạm tội, chúng ta sẽ bị hình phạt, nhưng Chúa không muốn chúng ta chịu hình phạt nhưng là sự sống đời đời. Chúa muốn chúng ta nhận lãnh và sử dụng năng quyền của Ngài để nói không với tội lỗi.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng hãy nói “VÂNG” với những điều thuộc về Đức Chúa Trời, là những điều tốt đẹp gây dựng chúng ta trở nên giống Chúa Jesus hơn cho dù có phải hy sinh, mất mát.
Xin Chúa ban ơn và năng quyền Ngài trên mỗi chúng ta là những người khao khát gặp gỡ Ngài!
Biên tập
Trần Thanh Duy