Có ai trong chúng ta đã từng nhận được những lời hứa rồi bị thất hứa?
Đó là một trải nghiệm mà chẳng hề dễ chịu, thậm chí gây ra những tổn thương sâu sắc..
Bạn có bao giờ nghe những câu này từ ngày tuổi thơ chưa?
-Nếu con ngoan, mẹ sẽ mua đồ chơi cho con;
-Nếu con học giỏi, hè này ba chở con đi biển chơi;
-Nếu con đứng nhất lớp, mẹ sẽ mua cho con máy vi tính;
…
Thực tế, bao nhiêu lần bạn nhận được “quà” từ ba mẹ?
Qua những lần bị thất hứa, những đứa trẻ mất dần niềm tin vào ba mẹ. Vô hình trung, những đứa trẻ ngộ nhận rằng ba mẹ nói những lời hứa đó chỉ để dụ dỗ chúng khiến chúng làm theo lời ba mẹ.
Đức Chúa Trời cũng có những lời hứa dành cho mỗi một chúng ta. Tin vui là Chúa đã hứa thì Ngài sẽ làm thành. Những Lời hứa đó rất quan trọng đối với đời sống mỗi chúng ta. Vì qua đó, chúng ta biết chương trình của Chúa cho chính mình hầu chúng ta làm theo. Những lời hứa của Chúa như là nguồn động lực rất lớn để cho dù trong những lúc thử thách chúng ta vẫn sẽ bám víu vào lời hứa của Ngài mà tiếp tục chặng đường Chúa kêu gọi.
Mỗi lời hứa của Chúa kèm theo mỗi chân lý, sứ mạng riêng để nhằm nhắc nhở, khích lệ chúng ta tuỳ theo các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống.
Cụ thể, cả Kinh Thánh có đến 8,810 lời hứa tổng cộng. Kinh Thánh Cựu Ước có 7,706 lời hứa và Kinh Thánh Tân Ước có đến 1,104 lời hứa. Riêng đặc biệt sách Phục Truyền đoạn 28 thôi cũng có đến 133 lời hứa, là chương sách có nhiều lời hứa nhất trong toàn bộ Kinh Thánh
Chúa có những lời hứa cho tất cả chúng ta. Vì vậy, việc của chúng ta là hãy tìm hiểu xem những lời hứa của Chúa có ý nghĩa như thế nào và tại sao Chúa hứa cho chúng ta?
Tội lỗi đã vào thế gian qua việc Adam và Eva ăn trái cấm.
Họ đã không vâng lời Đức Chúa Trời mà ăn trái của cây biết điều thiện điều ác. Họ muốn biết điều thiện, điều ác theo chính kiến thức và bản năng của họ.
Hậu quả là họ đã bị Đức Chúa Trời đuổi ra khỏi vườn E-den, nơi mà Chúa đã tạo dựng cho họ để họ được vui hưởng trong sự cung ứng của Ngài. Hơn thế nữa, bởi sự không vâng phục mà tội lỗi đã vào thế gian.
Khi tội lỗi ở trong thế gian, nó không phải chỉ là một sự tình cờ ngẫu nhiên mà nó vào như bão lũ. Nó sẽ cuốn chúng ta vào sự chết đời đời.
Kinh Thánh miêu tả tội lỗi như đang rình rập liên tục và khiến chúng ta phải làm những điều trái với ý muốn của Đức Chúa Trời. Kết quả của điều đó là chúng ta bị đuổi ra khỏi sự hiện diện của Chúa, đuổi ra khỏi nơi mà Chúa tạo dựng cho chúng ta cách tốt đẹp.
Vì tội lỗi rất nguy hiểm, nên chúng ta phải học cách để quản trị nó.
Lời Chúa dạy trong Sáng thế ký 4:7b thế này
Còn nếu con không làm điều tốt thì tội lỗi rình rập trước cửa, nó thèm con lắm; nhưng con phải quản trị nó.”
Đây là một câu Kinh Thánh trong phân đoạn giữa Ca-in và A-bên.
Bởi sự ganh tị, đố kị mà Ca-in lên kế hoạch giết A-bên em mình. Trước đó, Đức Chúa Trời đã nhắc nhở, cáo trách Ca-in về sự nguy hiểm của tội lỗi và phải học cách quản trị nó. Nhưng Ca-in đã để tội lỗi cắn nuốt mà giết chết em mình.
Tất cả chúng ta sẽ là mục tiêu của tội lỗi, nó sẽ không chừa một ai. Như Kinh Thánh miêu tả, tội lỗi sẽ rình rập mà tấn công chúng ta vì nó thèm khát chúng ta. Cho nên, khi chúng ta ở gần tội lỗi, chúng ta sẽ dễ mắc phải tội lỗi.
Chúa không muốn như vậy, Ngài không muốn chúng ta phải kinh nghiệm sự chết và sự đau thương trong cuộc đời. Cho nên Ngài bảo chúng ta phải quản trị nó trong sự khôn ngoan đến từ Ngài.
Trở lại Sáng thế ký đoạn 3 để xem Chúa hứa điều gì.
Sáng thế ký 3:14-15 (RVV11)
14Giê-hô-va Đức Chúa Trời quở trách con rắn:
“Vì mầy đã làm điều đó
Nên trong tất cả các loài gia súc và thú đồng,
Chỉ có mầy bị nguyền rủa;
Mầy sẽ bò bằng bụng
Và ăn bụi đất trọn đời.
15Ta sẽ làm cho mầy và người nữ,
Dòng dõi mầy và dòng dõi người nữ thù nghịch nhau.
Người sẽ giày đạp đầu mầy,
Còn mầy sẽ cắn gót chân người.”
Sau khi A-dam và E-va phạm tội, Chúa đã phân xử con rắn và người nữ bởi vì họ đã phạm tội chống nghịch Ngài.
Về phần con rắn, nó là một con vật được Đức Chúa Trời tạo dựng nhưng nó đã theo đường lối của Sa-tan và trở nên công cụ của Satan dùng để lừa gạt E-va. Vì lẽ đó nó đã bị Chúa phạt phải bò bằng bụng và ăn bụi đất.
Kế đến, Chúa đoán phạt trên người nữ và dòng dõi bà.
Theo nguyên bản, dòng dõi - descendant ⇔ seed (hạt giống)
Hạt giống được lặp lại hơn 100 lần trong Kinh Thánh và theo nguyên bản nó diển tả dòng dõi, con cháu là người nam. Như vậy, phần lớn các nhà giải kinh cho rằng Đức Chúa Trời đã hứa ban Đấng Mê-si-ah có nghĩa là Chúa Cứu Thế trong hoàn cảnh này.
Mặc dầu con người tội lỗi, Chúa vẫn hứa ban Đấng Cứu Rỗi.
Mặc dầu tổ tiên chúng ta phạm tội và đã khiến tội lỗi lan tràn vào thế gian, Đức Chúa Trời vẫn bày tỏ lòng nhân từ và sự thương xót của Ngài để hứa ban một dòng dõi, thế hệ sẽ chà đạp đầu con rắn.
Thông qua lời hứa này, Ngài mở lối thoát cho chúng ta nhờ Đấng Cứu Rỗi đó là Chúa Jesus mà chúng ta được đắc thắng tội lỗi.
Chúng ta là những người thuộc dòng dõi đó. Qua huyết báu Chúa Jesus, chúng ta thuộc vào huyết thống của những người sẽ chà đạp các công việc của ma quỷ dưới chân.
Hãy xem trong Lu-ca 10:19 1
9Nầy, Ta đã ban cho các con thẩm quyền để giày đạp rắn, bò cạp và mọi quyền lực của kẻ thù dưới chân. Chẳng điều gì làm hại các con được.
Để thẩm quyền mà Chúa ban cho được thực thi, chúng ta cần có một đời sống thánh khiết, tránh xa tội lỗi. Đồng thời, mỗi người phải từ bỏ lối sống buông tuồng, lười biếng và không tìm kiếm Đức Chúa Trời. Hơn hết, chúng ta phải làm theo mọi điều Đức Chúa Trời phán dạy.
Lời hứa của Ngài đã và đang được ứng nghiệm trên chúng ta. Vì mỗi một chúng ta là những người đã tuyên xưng đức tin nơi Đấng Christ đã được thêm vào trong dòng dõi mà Đức Chúa Trời hứa ban cho loài người.
Trước tiên, lời hứa của Chúa đáng tin cậy vì bản tính của Ngài
Lời Ngài bày tỏ trong Dân số 23:19 (RVV11)
19Đức Chúa Trời không phải là người mà nói dối,
Cũng chẳng phải là con loài người mà ăn năn.
Điều Ngài đã phán, Ngài không thi hành sao?
Lời Ngài đã hứa, Ngài chẳng thực hiện sao?
Đức Chúa Trời không giống như chúng ta. Chúng ta sinh ra là đã có bản tính xác thịt dễ phạm tội. Nhưng Chúa của chúng ta hoàn toàn thánh khiết và Ngài không thể phạm tội. Hay nói cách khác, Ngài không có khả năng phạm tội như chúng ta.
Chúa chỉ nói lời chân lý và sự sống, khi Ngài phán, chân lý và sự sống tuôn tràn. Mang đến sự gây dựng khích lệ cho chúng ta. Và vì bản tính thánh khiết của Ngài nên chúng ta cũng cần tin cậy vào lời hứa của Ngài.
Lời hứa của Chúa đáng tin cậy vì Chúa không hề thay đổi.
Trong các cuộc bầu cử tổng thống, để đắc cử thì những người ứng cử sẽ hứa làm các điều này, điều kia. Họ nắm bắt tâm lý của người dân mà đưa ra những lời hứa hấp dẫn. Trên thực tế, rất nhiều người sau khi đắc cử tổng thống đã không làm những điều mình hứa.
Đức Chúa Trời của chúng ta không hề như vậy. Con người chúng ta thay đổi và nhiều khi thất hứa nhưng Chúa thì sẽ thực hiện lời hứa của Ngài. Chúa không phải ở trong thế gian và bị tác động bởi những điều trong thế gian như chúng ta. Vì vậy, lời hứa của Chúa mang tính lâu dài và có tầm nhìn bao quát.
Có thể lời hứa của Chúa không đến trong thời điểm chúng ta mong đợi. Nhưng lời hứa của Ngài sẽ đến trong thời điểm tốt lành nhất hầu cho chúng ta được sự thịnh vượng, phước hạnh đầy tràn và bình an trọn vẹn.
Chúa phán trong Ma-la-chi 3:6a thế này:
“Thật vậy, Ta là CHÚA, Ta không hề thay đổi.
Lời hứa của Chúa đáng tin cậy vì sự khôn ngoan vô hạn của Ngài
Nhiều lúc trong những bế tắc của cuộc sống, chúng ta dễ đánh mất phương hướng của mình. Có những hoàn cảnh chúng ta không biết phải làm gì và đừng kinh ngạc anh chị em, chúng ta sẽ trải qua những giây phút đó. Nhưng nhờ đó, chúng ta mới biết nhờ cậy vào Chúa vì Ngài có sự khôn ngoan vô hạn không đo lường được.
Nhiều người do sự thành công hơn người khác mà trở nên kiêu ngạo rồi tuyên bố rằng họ không cần Chúa. Họ tự cho mình có thể làm được mọi sự bởi sức riêng.
Chúng ta đừng trở nên như vậy!
Thà rằng bế tắc nhưng chúng ta biết tìm kiếm Chúa, bước đi theo Lời của Ngài, còn hơn dư dật mà chúng ta đi theo ý riêng của mình.
Trong mọi sự, hãy tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời mình vì Ngài đã mua chuộc chúng ta với giá rất cao.
Từng giai đoạn trong cuộc đời mỗi người sẽ có những thách thức riêng. Lời hứa của Chúa cũng được thực hiện tuỳ theo những hoàn cảnh riêng. Có những lời hứa giống nhau sẽ được thực hiện, đồng thời cũng có những lời hứa khác nhau cho mỗi người. Chúa biết điều nào tốt nhất cho mỗi một chúng ta.
Lời Chúa bày tỏ trong Ê-sai 55:9
9“Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu,
Ðường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, và ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.
Qua đó, chúng ta thấy không những lời hứa của Chúa đáng tin cậy mà chúng ta cần phải trông đợi và khẩn thiết cầu xin những lời hứa đó mau chóng được thực hiện trên đời sống chúng ta. Vì nhờ vào những lời hứa của Chúa mà chúng ta nhìn thấy cách cụ thể chương trình của Ngài trên đời sống mỗi một chúng ta.
Hi vọng có nghĩa là tin tưởng, trông đợi, khao khát một điều gì đó tốt sẽ xảy ra trong tương lai. Hay nói cách khác, nó là sự tự tin về những mong đợi của mình sẽ được thực hiện.
Khi chúng ta có hi vọng trong Chúa, chúng ta sẽ tin chắc những điều Chúa hứa sẽ được thực hiện trên cuộc đời chúng ta. Vì vậy, trong mối tương quan hai chiều đó, chúng ta bám víu vào lời hứa của Đức Chúa Trời để giúp chúng ta tự tin vào những mong đợi, khao khát sẽ xảy ra hoặc sẽ được ứng nghiệm trong tương lai.
Hi vọng là điều chúng ta không nhìn thấy và không đo lường được.
Khi một người nhìn thấy một sự việc nào đó đang xảy ra ở thời điểm hiện tại, điều đó không phải là hi vọng mà nó là một thực trạng vì nó đang được diễn ra và chúng ta có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, hi vọng không biểu lộ như vậy.
Khi chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh nào đó có thể là gian nan, thử thách và chúng ta muốn hướng đến một tương lại tốt đẹp hơn, thì đây là lúc niềm hi vọng lắp vào để tăng thêm động lực cho chúng ta.
Trong sách phục truyền luật lệ ký, vào những ngày cuối đời mình, Môi-se đã dạy dân sự về những lời nguyền rủa bên cạnh những lời chúc phước. Nhận lãnh được sự chúc phước hay sự nguyền rủa là lựa chọn của mỗi người. Nếu biết vâng phục và làm theo Lời Chúa thì dân sự sẽ được phước hạnh trên mọi mặt đời sống. Ngược lại, sự rủa sả là mất tất cả những gì họ được ban cho như tài sản, gia đình, đất nước, tự do, và tính mạng.
Đức Chúa Trời thương xót mà ban cho dân Do Thái các luật lệ để dân sự làm theo và được phước. Ngài cũng muốn cho chúng ta ngày nay được phước như vậy nên Ngài ao ước chúng ta luôn vâng phục theo ý muốn tốt đẹp của Ngài.
Chúa mặc khải cho Môi-se trong Phục truyền 31:16
Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: “Nầy, con sắp an giấc với các tổ phụ con. Còn dân nầy sẽ nổi loạn và thông dâm với các thần của dân ngoại tại trong xứ mà họ sắp vào. Họ sẽ bỏ Ta và phá vỡ giao ước mà Ta đã lập với họ.
Mặc dầu ông biết là dân Y-sơ-ra-ên sẽ phản loạn, nhưng vì niềm hi vọng trông chờ ngày đến của Chúa Cứu Thế đã cho ông thêm hi vọng. Niềm hi vọng đó đã giúp cho ông có thêm sức mạnh, thêm động lực để hoàn thành sứ mạng ông được giao phó.
Trong thời cựu ước, dân Do Thái đã trông đợi sự giáng sinh của Đấng Mê-si-a. Đấng sẽ làm Vua và cứu rỗi dân Do Thái.
Ngày nay, chúng ta trông chờ ngày trở lại của Đấng Christ. Là Chúa Cứu Thế sẽ đến để phán xét thế gian.
I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17
16Vì khi có hiệu lệnh ban ra, với tiếng gọi của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời thì chính Chúa từ trên trời sẽ giáng lâm. Bấy giờ, những người chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước tiên. 17Kế đến, chúng ta là người đang sống mà còn ở lại sẽ cùng được cất lên với những người ấy trong đám mây để gặp Chúa tại không trung, và chúng ta sẽ ở với Chúa mãi mãi.
Đây chính là lời hứa của Đức Chúa Trời và cũng là hy vọng đời đời của chúng ta. Chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời cất lên và ở với Ngài mãi mãi. Đó là sự phước hạnh lâu dài, không thể bị lấy đi.
Có thể bạn đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, bế tắc khiến cho bạn nãn lòng. Nhưng hơn hết, bạn hãy đặt hi vọng nơi Chúa vì Ngài có lời hứa cho sự đảm bảo về sự phước hạnh đời đời cùng với Ngài.
Môi-se và các nhà tiên tri đã đặt hi vọng nơi Đấng Christ và Ngài đã được sinh ra. Ngày nay, với chúng ta đó không còn là hi vọng mà là thực trạng vì Chúa Jesus đã sinh ra, Ngài đã chết và đã sống lại. Chúa đã về trời và đang ngự bên phải ngôi của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, hi vọng của chúng ta là Chúa Jesus sẽ trở lại lần thứ hai và đó là lần Ngài phán xét thế gian. Khi đó, những ai ở trong Chúa sẽ được cất lên để cai trị cùng với Ngài. Ngược lại, những ai không ở trong Ngài sẽ chịu sự đoán xét.
Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay không ở trong sự bắt bớ, khó khăn nên còn xem nhẹ Lời của Đức Chúa Trời và những lời hứa của Ngài trong cuộc đời mỗi người.
Nhiều giáo sĩ khi truyền giáo ở Trung Đông, Trung Quốc và các nước tương tự đã gặp nhiều sự bắt bớ. Thậm chí nhiều người đã bị bắt giam và bị giết chết. Có những người ở những quốc gia phát triển đã bán tất cả gia tài rồi đến những nước nghèo chỉ để chia sẻ Lời của Chúa cho người khác.
Vì sao họ lại làm điều đó? Vì niềm hi vọng trong Chúa lớn hơn tất cả những trắc trở, nguy hiểm mà họ gặp phải.
Xin Chúa ban cho chúng ta tấm lòng biết trông đợi và nhờ cậy Chúa trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt là chương trình tốt lành của Đức Chúa Trời trên mỗi chúng ta sẽ được thực hiện qua những lời hứa của Ngài.
Biên tập
Tran Thanh Duy