Slideshow image

Xuyên suốt Kinh Thánh là những câu chuyện liên quan đến sự phục vụ. Điều này cho thấy Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta trở nên những Cơ Đốc nhân có tấm lòng phục vụ. Thông qua sự phục vụ, Chúa sẽ sử dụng chúng ta cho những mục đích tốt đẹp của Ngài. Vì thế, người nào có đức tin thật, có sự đầu phục ý muốn Chúa sẽ có tâm tình phục vụ hết lòng. Hơn thế nữa, tấm lòng phục vụ còn giúp cho chúng ta ngày càng tăng trưởng hơn trong Chúa. Qua loạt bài này, chúng ta sẽ thấy được hình ảnh rõ nét và cần thiết của sự phục vụ là như thế nào!  

Một trong những bản năng của con người chúng ta là luôn muốn được phục vụ. Trong tất cả các hoàn cảnh, chúng ta đều mong muốn được người khác phục vụ cho mình.

Ví dụ: Khi vào một nhà hàng hay quán ăn, chúng ta chờ nhân viên phục vụ mình. Trong gia đình, chúng ta mong muốn sự phục vụ từ chồng hay từ vợ mình, và con cái cũng muốn ba mẹ phục vụ mình bằng nhiều việc khác nhau v.v.  

Nhưng có bao giờ anh chị em nghĩ đến việc phục vụ người khác bao giờ chưa?  

Dĩ nhiên là không phải nói đến việc làm nhân viên phục vụ để nhận lương bổng vì như vậy là công việc. Tâm tình phục vụ mà chúng ta cần chú ý đến ở đây là sự chủ động phục vụ người khác. Hay nói cách khác, sự phục vụ này không đòi hỏi tiền công hay sự báo đáp mà nó chính là từ tấm lòng của một người tin Chúa.

Xin mời quý vị cùng tìm hiểu chủ đề đầu tiên về sự phục vụ: “Tâm tình của người tin Chúa”.

1/ Phục vụ là lối sống thờ phượng  

Một người phục vụ theo tinh thần Kinh Thánh là người thờ phượng Chúa. Đời sống phục vụ nói lên một lối sống thờ phượng thật.  

Vậy phục vụ là gì?  

Theo định nghĩa của các từ điển thông dụng, phục vụ là việc thực hiện nhiệm vụ hoặc dịch vụ cho người nào đó hay tổ chức nào đó.  
Theo tiếng Hê-bơ-rơ phục vụ là từ עבד, đọc là: ‘avád’ có nghĩa là để làm, để tiến trình thực hiện, để lao động cho một ai đó. Không chỉ vậy, ‘avád’ trong ngữ cảnh đối với Đức Chúa Trời còn có nghĩa là để tôn kính, thờ phượng Chúa.  

Hãy cùng xem trong các phân đoạn Kinh Thánh
Phục Truyền 10:12 (RVV11)
“Vậy, hỡi Y-sơ-ra-ên, điều mà bây giờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời đòi hỏi anh em là gì nếu không phải là tôn kính Giê-hô-va Đức Chúa Trời, đi trong đường lối Ngài, hết lòng hết linh hồn mà kính mến và phục vụ Giê-hô-va Đức Chúa Trời,

Giô-suê 22:5b (RVV11)
tức là kính yêu Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em, đi theo đường lối Ngài, tuân giữ các điều răn Ngài, gắn bó với Ngài, và hết lòng, hết linh hồn mà phục vụ Ngài.”

Xuất Ê-díp-tô 8:1b (RVV11)
‘Hãy cho dân Ta đi để chúng phụng sự Ta.  

Khi chúng ta đọc lời Chúa và thấy rằng Lời Chúa nhắc đến chữ phục vụ hay phụng sự Chúa, nó đều có cùng một nghĩa là để tôn kính và thờ phượng Chúa.  

Sự phục vụ rất quan trọng đối với đời sống mỗi Cơ Đốc nhân. Trên thực tế, đời sống phục vụ phản ánh đời sống thờ phượng Chúa một cách rõ ràng. Điều này đồng nghĩa rằng, chúng ta không thể tự nhận là con cái Chúa mà lại không có sự phục vụ trong lối sống của mình.  

Các Hội Thánh Chúa thường xuyên sẽ có những chương trình phục vụ cộng đồng như là làm từ thiện, phục vụ văn nghệ, trao quà, chăm sóc cho những người bên ngoài Hội Thánh cách tự nguyện.  

Đó là hình ảnh rõ ràng của một lối sống thờ phượng Chúa. Chúng ta cần có tâm tình phục vụ Chúa và phục vụ người khác vì đây là điều Kinh Thánh dạy phải làm.  

Trong một bữa tiệc cưới tại gia kia, vì khách mời cùng đến quá đông nên người nhà cùng với nhân viên phục vụ không thể kịp thời chuẩn bị chỗ ngồi. Thấy vậy, một vị khách trang phục chỉnh chu đã chủ động cởi áo vest để hỗ trợ sắp xếp bàn ghế và bưng bê thức ăn lên.  

Vị khách đó không có trách nhiệm phải làm như thế nhưng anh ấy đã chủ động giúp đỡ. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta càng cần có thái độ chủ động phục vụ Chúa cũng như phục vụ người khác.  

Trong đời sống xung quanh chúng ta luôn có những cơ hội để chúng ta phục vụ hay thực hiện một điều gì đó cho người khác. Chúng ta không cần người khác phải nhờ vả, yêu cầu hay thậm chí là cáo trách để thực hiện sự phục vụ. Thay vào đó, chúng ta hãy chủ động trong mọi hoàn cảnh để phục vụ người khác. Khi ấy, sự phục vụ đó chính là một lối sống thờ phượng đẹp lòng Chúa đúng theo tinh thần Kinh Thánh.  

2/ Phục vụ là noi theo gương Chúa Jesus

Chúa Jesus là Đấng chúng ta thờ phượng và Ngài là Đấng Cứu Rỗi của tất cả loài người trên đất này. Trong Chúa chúng ta kinh nghiệm sự bình an, sự tự do, sự đắc thắng, sự chữa lành và mọi điều tốt lành khác nữa. Vì vậy, việc noi theo gương Chúa Jesus là một điều vô cùng cần thiết để mỗi chúng ta làm theo.  

Trong quá trình lớn lên, có lẽ ai cũng có cho mình một vài thần tượng như ca sĩ, diễn viên,… Khi thần tượng ai đó, chúng ta sẽ tập trung theo dõi những hoạt động của họ và có xu hướng bắt chước theo họ từ phong cách cho đến cử chỉ và hơn hết là điểm mà làm cho chúng ta thần tượng họ.  

Kính thưa anh chị em, Chúa Jesus là Đấng duy nhất đáng để chúng ta thần tượng. Thần tượng này trong bối cảnh tiếng Hê-bơ-rơ cũng chính là sự thờ phượng. Cho nên khi chúng ta thần tượng Chúa là khi chúng ta đang thờ phượng Chúa. Đó là lý do chúng ta không nên thần tượng bất cứ người nào khác trên đất này. Dĩ nhiên chúng ta có quyền nhìn lên, ngưỡng mộ những người chúng ta yêu thích nhưng không nên thần tượng vì rất dễ để chúng ta tập trung vào con người hơn tập trung vào Chúa.  

Hơn nữa, khi chúng ta thần tượng Chúa Jesus, chúng ta sẽ noi gương Chúa Jesus. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ làm theo những điều mà Chúa Jesus làm. Và qua lời Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng Chúa Jesus rao giảng phúc âm cho người khác; Chúa Jesus chữa lành cho người khác; Chúa Jesus thăm viếng những người  tội lỗi. Hơn thế nữa, đặc biệt bám theo chủ đề của chúng ta hôm nay, Chúa Jesus PHỤC VỤ người khác.  

Giăng 13:12-15 (RVV11)
12 Sau khi đã rửa chân cho các môn đồ, Ngài mặc áo lại, rồi ngồi vào bàn và nói: “Các con có hiểu điều Ta đã làm cho các con không?13 Các con gọi Ta là Thầy, là Chúa. Các con nói rất đúng, vì Ta thật như vậy. 14 Nhưng nếu Ta là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Vì Ta đã làm gương cho các con, để các con cũng làm như Ta đã làm cho các con.  

Nhiều lần người Do Thái muốn tôn Chúa Jesus lên làm Vua để phụng sự Ngài theo cách của con người nhưng Chúa biết kế hoạch của Ngài đến trần gian không phải để được phục vụ. Ngài đi rao giảng khắp nơi và hàng ngàn người kéo đến với Ngài từ người già đến trẻ con, thậm chí Chúa Jesus còn làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để cho họ ăn no nê.

CHÚA ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ CON NGƯỜI!  

Chúa Jesus đã đến để phục vụ chúng ta! Ngài đã rửa chân cho các môn đồ và dạy bảo các môn đồ cùng làm như vậy cho nhau.  

Trong bối cảnh Do Thái thời bấy giờ, đường sá thì còn rất thô sơ chỉ là đường đất. Dân chúng chủ yếu di chuyển qua lại giữa các nơi là phải đi bộ vì chỉ có người giàu mới có ngựa hoặc lừa để cưỡi. Vì thế, không khó hiểu khi chân họ rất dễ bám bẩn và cần được rửa. Cho nên việc rửa chân cho người khác là một phần trong văn hóa Do Thái nhằm bày tỏ sự chăm sóc và hạ mình. Mặt khác, người được rửa chân sẽ cảm thấy được trân trọng và yêu quý vô cùng. Trong đêm trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Jesus đã rửa chân cho các môn đồ để dạy họ về tinh thần phục vụ.  

Chúa Jesus là Thầy, là Chúa mà Ngài còn rửa chân cho họ thì cớ gì chúng ta không thể phục vụ anh em mình cũng như những người lân cận mình.
Chúng ta cũng hãy phục vụ nhau như vậy! Khi chúng ta phục vụ anh chị em mình là chúng ta đang làm theo gương của Chúa Jesus và đó là một đời sống phải lẽ, đẹp lòng Đức Chúa Trời.  

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy lấy tinh thần phục vụ mà đối đáp lẫn nhau. Ngày nay, có nhiều cách để chúng ta thể hiện sự phục vụ như cầu thay, quan tâm, giúp đỡ, thực hiện một điều gì đó tốt đẹp cho anh chị em mình. Đó là cách chúng ta bày tỏ tình yêu thương với những người xung quanh đồng thời thể hiện thái độ thuận phục ý Chúa. Đây chính là một lối sống Đức Chúa Trời đang tìm kiếm, Ngài vui lòng với những ai có tâm tình phục vụ!  

3/ Không làm ngơ trước nhu cầu của người khác

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng sự làm ngơ có nghĩa là đã thấy hoặc đã biết mà coi như không thấy, không biết. Như vậy, khi chúng ta làm ngơ một điều gì đó, chúng ta sẽ không hành động gì trên sự việc đó.
Nếu chúng ta học cách để quan tâm và nhìn thấy nhu cầu của người khác thì chúng ta đang học cách sống chết đi bản ngã xác thịt của mình. Đời sống đắc thắng trong Chúa là đời sống tập trung vào Chúa. Và khi chúng ta tập trung vào Chúa, chúng ta cũng sẽ tập trung vào việc quan tâm đến nhu cầu của người khác vì Chúa quan tâm đến tất cả mọi người.

Hãy cùng xem câu chuyện trong Lu-ca 10: 30-35 (RVV11)
30Đức Chúa Jêsus đáp: “Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh đập rồi bỏ đi, để mặc người đó dở sống dở chết. 31Bấy giờ, có một thầy tế lễ tình cờ đi xuống đường đó, thấy nạn nhân thì đi tránh qua bên kia đường. 32Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy rồi cũng tránh qua bên kia mà đi. 33Nhưng có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy nạn nhân thì động lòng thương xót 34liền áp lại, lấy dầu và rượu xức vào vết thương, băng bó lại, rồi đỡ nạn nhân lên con vật của mình và đưa đến quán trọ để săn sóc. 35Ngày hôm sau, ông lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán và nói: ‘Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi trở về tôi sẽ hoàn lại.’

Chúng ta thấy thầy tế lễ và người Lê-vi là những người biết Lời Chúa, biết về sự dạy dỗ trong các sách kinh luật là phải giúp đỡ người hoạn nạn. Tuy thế nhưng họ chọn làm ngơ trước hoàn cảnh đang cần sự cứu giúp của người khác.
Ngày nay, có người nhiều người ngay cả trong vòng Hội Thánh đang có lối sống làm ngơ trước nhu cầu của người khác. Chưa hết, những người có danh vọng, địa vị, những người được nhiều người biết đến cũng có thể sống làm ngơ, dửng dưng trước những nỗi đau thương của người khác. Chúng ta đừng nên như vậy vì điều đó rất dễ khiến chúng ta trở nên xa rời Chúa.

Một hình ảnh hoàn toàn trái ngược lại là nhân vật người Sa-ma-ri. Mặc dầu người Sa-ma-ri là những người bị người Do Thái khinh thường vì họ không cùng huyết thống (họ đã lai với người A-sy-ri trong thời gian người Do Thái bị lưu đày trước đó). Tuy nhiên, người Sa-ma-ri trong câu chuyện Chúa Jesus kể trên là một người quan tâm đến nhu cầu của người khác. Vì động lòng thương xót nên ông đã không làm ngơ trước sự đau thương của đồng loại. Kết quả là ông đã ân cần giúp đỡ, chăm sóc cho người bị nạn. Chúng ta thấy, có những người tưởng chừng bị xã hội khinh thường nhưng lại được Chúa trân trọng nêu gương. Đức Chúa Trời không quan tâm xuất thân hay địa vị của một người. Điều Ngài tìm kiếm là một tấm lòng không làm ngơ trước nhu cầu của người khác Kính thưa quý con cái Chúa, Đức Chúa Trời đang kêu gọi chúng ta để sống một lối sống như vậy! Hãy cố gắng nỗ lực và học cách sống quan tâm đến người khác, đặc biệt là giúp đỡ khi họ cần. Chúng ta cần biết coi trọng người khác và thấu hiểu những nhu cầu cũng như những sự đau thương của họ. Có như vậy chúng ta mới không làm ngơ với anh chị em mình.

Ngày nay chúng ta sống trong một xã hội mà ai cũng chỉ muốn tìm đến nhu cầu của riêng mình. Chúng ta tập trung vào chính mình quá nhiều đôi lúc khiến chúng ta mù loà, không còn nhìn thấy sự hiện diện và nhu cầu của người khác.

Hãy từ bỏ lối sống như vậy! Vì Chúa yêu tất cả mọi người vô cùng nên Ngài cũng muốn chúng ta hãy sống như Chúa là yêu thương anh chị em mình. Và tình yêu đó phải được thể hiện bằng hành động. Vì thế, hãy phục vụ người khác trong mọi hoàn cảnh nếu có thể.

Mặc dầu vậy, không dễ dàng gì để chúng ta có thể phục vụ người khác, đặc biệt là điều đó đến từ tấm lòng chứ không phải chỉ là thể hiện bên ngoài. Ai cũng có những hoàn cảnh và nhu cầu riêng và sự hạn chế về thời gian v.v... Do đó, để có sự phục vụ đẹp lòng Chúa, chúng ta cần phải hy sinh những sự thoải mái của bản thân và hơn hết là cậy dựa vào Chúa để Ngài ban ơn, thêm sức, cùng với sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để có thể làm được.  

1 Giăng 3:17-18 (RVV11)
17Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đang túng thiếu mà chẳng động lòng thương thì làm thế nào tình yêu thương của Đức Chúa Trời ở trong người ấy được? 18Hỡi các con bé nhỏ, chớ yêu thương bằng lời nói và miệng lưỡi, mà phải yêu bằng việc làm và sự chân thật.

Nếu chúng ta chẳng động lòng thương thì chúng ta không thể phục vụ người khác được. Cho dù anh chị em trong Chúa hay người ngoại đều như nhau, khi có cơ hội hãy phục vụ họ, khi thấy họ có nhu cầu hãy tìm cách giúp đỡ họ. Đó là thái độ và tâm tình cần có của một người tin Chúa!

Biên tập          

Trần Thanh Duy