Sau khi nắm rõ tâm tình của một người tin Chúa là như thế nào, chúng ta tiếp tục lột tả tâm tình đó qua lối sống của mình.
Lối sống là những nét điển hình, được lặp đi lặp lại và định hình thành phong cách, thói quen trong đời sống cá nhân hay xã hội. Qua đó, khi nhìn vào lối sống của một người, chúng ta định hình được phong cách sống của người đó.
Ví dụ: Lối sống của những người thương buôn là những người luôn tìm cách tìm kiếm sản phẩm và khách hàng để giao dịch hay buôn bán nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của mình.
Khi nhắc đến một người giáo viên, chúng ta liên tưởng đến một lối sống đạo đức, có phẩm chất tốt của một người giáo dục người khác.
Khi nhắc đến một tội phạm nguy hiểm, chúng ta liên tưởng đến một lối sống đen tối, luôn tìm mưu mẹo và mánh khóe để phạm tội hoặc làm hại người khác.
Theo những phân tích trên, chúng ta thấy rằng những nét điển hình, được lặp đi lặp lại trong việc phục vụ người khác thể hiện một lối sống phục vụ của một người.
Hãy cùng tìm hiểu lối sống phục vụ đó là lối sống như thế nào?
Như bài học trước chúng ta có đề cập đến việc quan tâm đến nhu cầu của người khác. Cũng một cách ấy, chúng ta cũng cần quan tâm đến lợi ích của họ.
Bởi chúng ta đã xưng nhận đức tin nơi Chúa Cứu Thế Jesus nên chúng ta được thêm vào gia đình thuộc linh là gia đình thiên đàng. Trong gia đình ấy, chúng ta có Đức Chúa Trời là Cha và những ai tin Chúa thì trở nên anh em của nhau (bao gồm cả người nữ). Vì chúng ta là anh em của nhau có cùng Cha trên trời nên điều hiển nhiên là chúng ta cần phải quan tâm phục vụ anh em mình. Thật phước hạnh thay khi chúng ta quan tâm đến người khác vì điều đó thể hiện một mối quan hệ yêu thương như lời Chúa dạy. Hơn nữa, Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ vui mừng khi thấy con cái Ngài yêu thương nhau và quan tâm đến lợi ích của nhau trên đất này.
Giăng 13:34 (RVV11)
34Ta ban cho các con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu thương nhau. Như Ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy.
Làm sao chúng ta có thể yêu thương anh em mình nếu không có sự quan tâm đến lợi ích của họ. Tình yêu mà Chúa dạy chúng ta luôn là tình yêu bằng hành động, bằng sự chân thật và bằng một lối sống của sự phục vụ! Sự quan tâm đến lợi ích của người khác bày tỏ một lối sống phục vụ đẹp lòng Chúa.
Một hình ảnh rất đẹp thường thấy trong văn hóa Việt Nam chúng ta là trong bữa ăn có một người gắp một phần thức ăn ngon cho người khác. Ví dụ: trong bữa ăn mà có thịt gà thì ba mẹ sẽ gắp cho con mình phần ngon là đùi gà.
Điều đó thể hiện sự quan tâm rất tình cảm.
Hành động nhỏ bé đó thôi cũng đã bày tỏ sự quan tâm ích lợi của người khác hơn lợi ích của bản thân rồi. Cùng một lẽ đó, sự quan tâm đến lợi ích của người khác đòi hỏi chúng ta phải quên đi những lợi ích của bản thân. Hay nói cách khác, chúng ta cần từ bỏ lối sống ích kỷ của mình để có thể hành động vì lợi ích của người khác.
Suy nghĩ này rất phổ biến vì có nhiều người cảm thấy làm việc cho người khác nhiều quá khiến cho của cải, sức lực của bản thân bị hao mòn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không hề cảm thấy như vậy khi mà chúng ta làm điều này trên tinh thần là người khôn ngoan, vững mạnh. Cụ thể, nếu chúng ta thành công trong việc quản trị các hoàn cảnh, nhu cầu của bản thân cùng với sự khôn ngoan khi xử lý những vấn đề của người khác thì việc quan tâm đến lợi ích của người khác không ảnh hưởng xấu đến chúng ta.
Hơn thế nữa, lối sống quan tâm đến lợi ích của người khác sẽ mở ra cánh cửa phước hạnh trên đời sống chúng ta.
Phi-líp 2:3-4 (RVV11)
3Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ, hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. 4Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa.
Các bạn thân mến, quan tâm đến lợi ích của người người khác là điều Kinh Thánh dạy! Nhưng sẽ rất khó cho chúng ta để quan tâm đến lợi ích của người khác khi chúng ta không thật sự tôn trọng họ. Vì vậy, trước hết hãy xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. Có như thế chúng ta mới có thể nghĩ đến lợi ích của họ được.
John Maxwell là một trong những nhà lãnh đạo thành công, nổi tiếng khắp thế giới… Ông là một mục sư nhưng được Đức Chúa Trời sử dụng trên những người ngoại qua việc ông là tác giả của những sách bán chạy hàng đầu thế giới. Hàng triệu người từ khắp các ngành nghề đã tìm đọc sách của ông để được khích lệ cũng như hoàn thiện bản thân. Một lần kia, ông đã giảng dạy về việc coi trọng giá trị của người khác hơn bản thân mình. Theo ông, đây là yếu tố cốt lõi để có thể làm điều tốt đẹp cho người khác. Hay nói cách khác, để phục vụ người khác, trước hết phải coi trọng họ hơn bản thân mình.
Chúng ta cũng hãy học tập để được như vậy! Hãy xem trọng và coi người khác có giá trị! Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta có giá trị vô cùng, và người khác cũng vậy. Chúa tạo dựng tất cả mọi người có giá trị như nhau. Khi hiểu rõ điều đó, chúng ta mới có thể quan tâm đến lợi ích của người khác. Vì vậy, mỗi một chúng ta hãy tập một lối sống để luôn chú ý đến lợi ích của người khác trong mọi hoàn cảnh.
Khi nói đến điều này, bức tranh của chúng ta đã mở ra một góc nhìn rộng hơn rất nhiều! Nó không còn đơn thuần chỉ là những điều diễn ra xung quanh chúng ta hay ở Hội Thánh địa phương mà là khắp nơi trên toàn cầu.
Người có lối sống phục vụ sẽ quan tâm đến vương quốc của Đức Chúa Trời (hay còn gọi là vương quốc Thiên Đàng).
Các môn đồ theo Chúa Jesus ngày xưa cũng đã hỏi câu hỏi như thế vì Chúa Jesus đã giảng dạy rất nhiều đến Vương Quốc của Đức Chúa Trời.
Mác 1:15 (RVV11)
15Ngài phán: “Giờ đã trọn, vương quốc Đức Chúa Trời đã đến gần, các ngươi hãy ăn năn và tin nhận Tin Lành.”
Khi một người ăn năn và tin nhận Tin Lành của Chúa Cứu Thế Jesus, người ấy được tái sinh và được kinh nghiệm ở trong vương quốc của Đức Chúa Trời.
Lu-ca 17:20-21 (RVV11)
20Người Pha-ri-si hỏi Đức Chúa Jêsus khi nào vương quốc Đức Chúa Trời mới đến, Ngài đáp: “Vương quốc Đức Chúa Trời không đến một cách rõ ràng để có thể quan sát được; 21người ta sẽ không nói: Kìa nó ở đây hay ở đó! Vì vương quốc Đức Chúa Trời ở trong các ngươi.”
Chúng ta nhận thấy rằng vương quốc của Đức Chúa Trời không giống như vương quốc của loài người vì vương quốc của loài người chỉ là bề ngoài. Nó chỉ là vật chất tạm bợ và sẽ hư nát.
Những vương triều hùng mạnh từng trải dài sự thống trị khắp hành tinh cũng đã lụi tàn.
Những vị đế vương hùng tài thao lược, những lãnh tụ kiệt xuất rồi cũng chỉ còn là một phần lịch sử.
Những vật chất của cải như nhà đẹp xe sang rồi cũng sẽ hư nát.
Vì thế, khi nghe đến vương quốc của Đức Chúa Trời chúng ta đừng nên hình dung như vậy. Thay vào đó, vương quốc của Đức Chúa Trời rất lớn và kỳ diệu, tuy chẳng thể quan sát bởi mắt thấy nhưng lại ở ngay chính trong lòng chúng ta. Đặc biệt thay, vương quốc ấy tồn tại đời đời! Đây là một điều cực kỳ quan trọng bởi vậy nên Đức Chúa Jesus đã đi rao giảng khắp nơi về vương quốc Đức Chúa Trời cho tất cả dân chúng. Qua đó, chúng ta hiểu được ý nghĩa lớn lao mà Đức Chúa Trời bày tỏ để chúng ta tìm kiếm vương quốc của Ngài.
Một hình ảnh khác mà Chúa Jesus bày tỏ về vương quốc của Đức Chúa Trời
Ma-thi-ơ 31-33 (RVV11)
31Ngài phán với họ một ẩn dụ khác: “Vương quốc thiên đàng giống như một hạt cải người kia đem gieo ngoài đồng. 32Hạt ấy nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi mọc lên thì lại lớn nhất trong các loại rau, và trở thành cây đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành nó.” 33Ngài phán với họ một ẩn dụ khác: “Vương quốc thiên đàng giống như men mà người phụ nữ kia lấy ủ vào ba đấu bột cho đến chừng bột dậy cả lên.”
Đến đây, vương quốc Đức Chúa Trời đã được thể hiện rất rõ ràng. Khi tiếp nhận hạt giống lời Chúa, một người được lớn lên, được biến đổi đời sống mình và qua đời sống đó, người ấy là một nguồn phước cho nhiều người khác nữa. Đây cũng là hình ảnh của vương quốc Thiên Đàng.
Anh chị em thân mến, lối sống phục vụ của một người có thể xây dựng hay mở mang vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất này qua nhiều người khác. Vì khi chúng ta hăng say phục vụ Chúa và anh chị em mình, người khác nhìn thấy bằng chứng về vương quốc của Đức Chúa Trời qua tấm lòng phục vụ của mỗi chúng ta.
Điều đó là bởi từ trong lòng chúng ta, không phải là các hình thức hay vật chất bên ngoài có thể quan sát được. Không chỉ vậy, qua lối sống phục vụ, chúng ta và cả những anh chị em khác được tăng trưởng, biến đổi và trở thành nguồn phước cho nhiều người. Vì vậy, một người có lối sống phục vụ Chúa là người có sự quan tâm đến sự phát triển của vương quốc Đức Chúa Trời.
Bên cạnh những điều nêu trên, vương quốc Đức Chúa Trời là vương quốc có phạm vi rộng lớn hơn nơi sinh hoạt mục vụ của chúng ta.
Đôi lúc chúng ta rất dễ chỉ tập trung vào mục vụ và sinh hoạt cá nhân hay ở địa phương mình. Vì thế có những người được Chúa cất nhắc đến nơi khác để gây dựng, để phục vụ, họ cảm thấy không thích nghi được, thậm chí từ bỏ lối sống phục vụ.
Chúng ta đừng nên như vậy! Chúng ta đừng hạn chế phạm vi của vương quốc Đức Chúa Trời bởi những ý riêng hay hoàn cảnh của bản thân. Như đã nói ở trên, vương quốc của Đức Chúa Trời ở trong lòng chúng ta. Vì thế ở bất cứ nơi đâu có người tin Chúa, có người kính sợ Chúa, biết vâng lời Ngài thì vương quốc Đức Chúa Trời ở đó.
Khi hiểu được điều này, lối sống phục vụ của mỗi chúng ta sẽ vươn ra xa hơn đến những người khác và những cộng đồng khác. Để khi Chúa kêu gọi chúng ta đi đâu hay làm gì, chúng ta luôn có cơ hội để phục vụ Chúa.
Một lần nữa hãy nhìn xem cuộc đời của sứ đồ Phao-lô.
Kinh Thánh Tân Ước có 27 sách thì trong đó Phao-lô đã viết 13 sách (thư tín). Chúa đã sử dụng ông cách mạnh mẽ qua sự cống hiến của ông. Ông đã đi truyền giảng rất nhiều nơi qua bốn cuộc hành trình dài với quy mô hàng chục năm. Tại mọi nơi ông đến, ông lập Hội Thánh Chúa tại đó. Hội Thánh được phát triển lớn mạnh, hàng ngàn người đã tin nhận Chúa Jesus làm cứu Chúa cuộc đời mình.
Kính thưa anh chị em, Chúa đặt chúng ta ở đâu thì chúng ta cũng hãy sống một đời sống dấn thân, tận hiến đến đó. Hãy phục vụ Chúa và người khác kể cả trong những nơi xạ lạ chưa quen thuộc với mình vì đó là việc chúng ta đang mở rộng vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất này.
Sự tự nguyện chính là sự phục vụ không miễn cưỡng hay ép buộc.
Khi phục vụ, chúng ta cần có sự vui lòng tự nguyện. Để được vậy, đôi lúc chúng ta phải nhắc nhở chính mình rằng đó là điều Chúa dạy bảo chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải phục vụ người khác một cách miễn cưỡng thì hãy nên thay đổi cách nhìn của mình. Thay vào đó, hãy bày tỏ thái độ biết ơn Chúa vì Chúa ban cho chúng ta CƠ HỘI để phục vụ người khác.
Cụ thể, trong đời sống hôn nhân và gia đình, chúng ta sẽ luôn có cơ hội để thực hành điều này. Khi có lối suy nghĩ tiêu cực chúng ta rất dễ khó chịu, tỏ thái độ không tốt. Nhưng nếu biết rằng Chúa ban cho chúng ta cơ hội để phục vụ người phối ngẫu của mình, con cái của mình thì đó là một sự phước hạnh rất lớn.
Vì thế, cách nhìn của mình rất quan trọng. Khi nhìn lệch lạc, chúng ta rất dễ trở nên ích kỷ và xác thịt cho nên lối sống phục vụ của chúng ta có đúng tinh thần của Kinh Thánh hay không còn tuỳ thuộc vào thái độ trong lòng chúng ta.
1 Sa-mu-ên 12:24a (RVV11)
24 Chỉ cần anh em phải kính sợ Đức Giê-hô-va, hết lòng trung tín phụng sự Ngài.
Khi chúng ta phục vụ anh chị em mình trong sự nhận biết Chúa, trong sự hết lòng trung tín với Chúa, thì sự phục vụ của chúng ta là một nguồn phước lớn. Điều này giúp chúng ta nhận thức rằng chúng ta phục vụ người khác không phải vì cớ chúng ta mà là vì cớ chúng ta hết lòng trung tín với Đức Chúa Trời. Hay nói cách khác, chúng ta hãy hết lòng phục vụ người khác như chúng ta hết lòng phục vụ Chúa.
Ga-la-ti 5:13 (RVV11)
13Thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do; chỉ có điều là đừng dùng tự do ấy như một cơ hội để sống cho xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương mà phục vụ nhau.
Lời Chúa dạy chúng ta là hãy lấy lòng yêu thương mà phục vụ nhau. Nếu chúng ta phục vụ người khác với mục đích cá nhân là để được khen ngợi hay thu hút sự chú ý thì rất dễ để chúng ta cảm thấy khó chịu khi không nhận được điều mong muốn. Thay vào đó, động cơ đúng đắn để chúng ta phục vụ là vì chúng ta yêu mến Chúa. Có như thế thì khi gặp khó khăn trong lúc phục vụ, chúng ta sẽ không cảm thấy khó chịu để rồi cằn nhằn.
Vì vậy, chúng ta không thể vừa phục vụ và vừa cằn nhằn được. Chúng ta không thể một mặt làm theo lời Chúa và mặt khác lại chiều theo xác thịt. Đó là một lối sống hai mặt mà mỗi chúng ta cần phải đấu tranh để tránh khỏi!
Để có thể phục vụ với một tấm lòng chân thành đẹp lòng Chúa, mỗi người cần nhắc nhở bản thân rằng chúng ta không nên tìm kiếm sự khen ngợi, tán dương từ con người. Thay vào đó, tìm kiếm Đức Chúa Trời để biết ý muốn của Ngài là nguồn phước lớn hơn hết thảy mọi sự khen ngợi từ thế gian.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau học tập một lối sống phục vụ đúng đắn để không ai còn phải cảm thấy miễn cưỡng, không hài lòng hay bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào khác. Vì trong sự phục vụ của mình mà vô tình chúng ta khiến mối quan hệ của mình và người khác bị ảnh hưởng thì hoàn toàn không đáng. Nếu sự phục vụ của mình gây cớ vấp phạm cho anh chị em trong Chúa vì chúng ta còn cảm thấy miễn cưỡng thì tốt hơn hãy khoan làm. Nhưng trước hết hãy cầu xin Chúa cho chúng ta có một tấm lòng tự nguyện để mọi điều chúng ta làm là vì cớ chúng ta yêu mến Chúa và để làm vui lòng Ngài.
Biên tập
Trần Thanh Duy