Slideshow image

Chắc hẳn mỗi chúng ta đều nhận thấy rằng sự lãnh đạo rất quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống. Cho dù bạn đang ở trong kinh doanh hay trong gia đình, hoặc bất cứ môi trường nào thì sự lãnh đạo đều góp phần rất lớn đến việc thành công của mỗi người hoặc mỗi tổ chức. Khi có sự lãnh đạo tốt, chúng ta chắc chắn sẽ gặt hái sự thành công. Đặc biệt thay, mỗi chúng ta đều là một người lãnh đạo mà Đức Chúa Trời đặt để. Không ai là không có cơ hội để được lãnh đạo cả.

Ví dụ: Trong gia đình, người chồng lãnh đạo gia đình bao gồm vợ và con cái. Người mẹ cũng lãnh đạo con cái mình. Trong môi trường bên ngoài, người chủ lãnh đạo người làm công hay nhân viên của mình…

Tóm lại, tất cả chúng ta đều có cơ hội hoặc sẽ có cơ hội để lãnh đạo người khác. Vì vậy, sự lãnh đạo tốt là điều mà tất cả chúng ta đều cần học hỏi để được tăng trưởng thêm.
Bên cạnh đó, có nhiều nguyên tắc trong đời sống lãnh đạo giúp cho chúng ta làm tốt vai trò của mình. Một trong những nguyên tắc lãnh đạo gắn liền với tinh thần của Kinh Thánh mà chúng ta đề cập đến trong sứ điệp này đó là ‘Người lãnh đạo phục vụ’. Sự phục vụ chính là một nhân cách không thể thiếu đối với một người lãnh đạo trong Chúa!

1/ Để phục vụ người, không phải để người phục vụ

Trong những phần trước về chủ đề “phục vụ”, chúng ta có đề cập đến sự phục vụ noi theo gương Chúa Jesus. Mặc dầu Chúa Jesus là Chúa, là Vua, là Đấng Cứu Thế của mỗi chúng ta, vị trí của Ngài cao trọng hơn chúng ta vô cùng nhưng Ngài lại rửa chân cho các môn đồ Ngài. Chúa Jesus đã đến để phục vụ tất cả chúng ta.

Hãy nhìn những vị vua để thấy họ có uy quyền đến thế nào. Vua là người cai trị cả một quốc gia, khi vua sai bảo bất cứ điều gì thì bất cứ ai cũng phải nghe và làm theo, nếu không có thể sẽ bị xử tử. Anh chị em thân mến, Vua Jesus của chúng ta không giống như vậy. Ngài từ ngôi cao vì yêu thương chúng ta mà đã giáng lâm để dạy dỗ và làm gương bằng hành động trước hết cho chúng ta học hỏi và làm theo.  

Hãy cùng xem trong Ma-thi-ơ 20:26-27 (RVV11)
26Nhưng giữa các con thì không phải vậy; trái lại, ai muốn làm lớn trong các con, thì phải làm đầy tớ; 27còn ai muốn đứng đầu, thì phải làm nô lệ cho các con.  

Người đầy tớ, người nô lệ ở đây chính là người phục vụ!  

Hai sứ đồ Gia-cơ và Giăng đã cầu xin Chúa Jesus cho một người được ở bên phải và một người ở bên trái Chúa khi Ngài được vinh hiển (MÁC 10:35-45). Đây là hình ảnh về sự tị nạnh giữa các môn đồ khi mà ai cũng muốn mình là người gần gũi Chúa hơn. Nhưng song song với điều đó, họ cũng muốn là người lãnh đạo vì họ cho rằng càng gần với Vua thì càng cao trọng. Chúa Jesus biết tấm lòng của họ vì điều này đi ngược lại với nguyên tắc của lời Chúa[PL1] . Vì thế Ngài đã dạy dỗ họ là ai muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ, còn ai muốn đứng đầu thì phải làm nô lệ. Cụ thể, ai muốn làm lớn thì trước hết phải là người phục vụ.

Chúng ta thấy, cách suy nghĩ về lãnh đạo của con người khác với cách của Chúa .Hay nói cách khác, nguyên tắc lãnh đạo trong Chúa ngược lại với sự lãnh đạo ở đời này.
Chúa Jesus muốn mỗi chúng ta trước hết phải là người phục vụ.  

Phục vụ phải đi trước, danh hiệu theo sau.

Nếu nguyên tắc đó bị làm ngược lại sẽ vô cùng tai hại! Bởi khi có được chức vị cao, con người rất dễ trở nên kiêu ngạo. Vì thế Chúa muốn chúng ta đặt để mình ở vai trò phục vụ trước khi tìm kiếm những danh hiệu.  

Ngày nay, ngay cả trong Hội Thánh vẫn có nhiều người muốn vào những mục vụ hiển hách, những vị trí cao trọng đến nổi ganh đua lẫn nhau. Điều này làm cho họ quên đi nguyên tắc quan trọng về sự lãnh đạo theo đúng tinh thần Kinh Thánh là sự phục vụ.  

Người đời có thể sẽ quan tâm tới danh hiệu, địa vị của chúng ta nhưng Đức Chúa Trời thì không xem trọng điều đó. Đối với Chúa, Ngài quan tâm thái độ và cách mà chúng ta phục vụ cho vương quốc Đức Chúa Trời cũng như với những người xung quanh. Qua đó, Chúa sẽ mang chúng ta lên vị trí cao hơn trong đúng thời điểm của Ngài.  

2/ Mặc lấy tinh thần đầy tớ

Một trong những đặc điểm tâm lý thường thấy ở người lãnh đạo đời này là thường suy nghĩ mình giỏi hơn, tốt hơn, hoặc đáng giá hơn người khác. Khi một người được đặt ở vị trí cao hơn người khác, nếu không giữ mình, người đó rất dễ xem thường người khác, đặc biệt là những người ở dưới sự lãnh đạo của mình.  

Chúng ta thấy, khi chúng ta đặt giá trị của mình trong danh hiệu và chức vị của mình, chúng ta sẽ rất dễ hạ thấp giá trị thực sự của người khác. Chúng ta đã đi qua các loạt bài về giá trị của mình trong Chúa và biết được rằng Đức Chúa Trời coi trọng mỗi chúng ta như nhau. Không phải vì bạn là lãnh đạo mà Chúa coi trọng bạn hơn người khác đâu!
Anh chị em thân mến, cho dù chúng ta có làm gì hay vị trí của chúng ta trong gia đình, Hội Thánh và xã hội có là gì đi nữa thì Chúa vẫn coi trọng chúng ta không kém một ai đồng thời cũng chẳng hơn một ai.  
Vì vậy, ai trong chúng ta nếu được Chúa đặt ở vị trí cao thì hãy cậy ơn Chúa mà lãnh đạo trong sự khiêm nhường, hạ mình. Như lời Chúa có chép: ‘ai được ơn lãnh đạo, hãy chuyên cần lãnh đạo’ (Rô-ma 12:8)

Một vị mục sư chia sẻ rằng khi ông còn đang theo học ở trường thần học, ông được gặp gỡ, được nghe giảng bởi những mục sư, giáo sư, nhà truyền giảng, tiên tri,… đầy ơn trong Chúa. Đôi lúc ở dưới nghe giảng, ông có những cám dỗ khiến ông ao ước mình cũng được như những người đang ở trên bục giảng. Ông ước mình sau này cũng sẽ thành công như họ, được trở nên nổi tiếng, được nói những lời tiên tri năng quyền,… Tuy nhiên, sau này khi đã dầm thấm trong Chúa, ông kinh nghiệm được rằng Đức Chúa Trời không quan tâm đến danh hiệu của bất kì ai. Giờ đây, điều mà ông tâm niệm là không quan tâm đến danh hiệu, nhưng hãy luôn là người đầy tớ trung thành cho Đấng Christ.     

Kính thưa quý con cái Chúa, cho dù danh hiệu của bạn là mục sư, giáo sĩ, sứ đồ, nhà tiên tri,… (những chức vụ trong Hội Thánh) hay bạn chỉ là người dọn dẹp, người nấu ăn thì Chúa coi trọng mọi người như nhau. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy có cùng tâm tình như vị mục sư kể trên đó là không quan tâm đến danh hiệu mà luôn tập trung phục vụ như người đầy tớ trung thành cho Chúa.

Ê-phê-sô 4:11-13 (RVV11)
11Chính Ngài đã ban cho một số người làm sứ đồ, một số người làm nhà tiên tri, một số người khác làm nhà truyền giảng Tin Lành, một số người khác nữa làm mục sư và giáo sư, 12để các thánh đồ được trang bị cho công tác phục vụ và xây dựng thân thể Đấng Christ, 13cho đến khi tất cả chúng ta đều đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, để trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ.

Chúng ta thấy, Lời Chúa hoàn toàn không nói chúng ta được làm cao là để hưởng ích lợi cho bản thân, hay là để người khác phục vụ mình. Ngược lại, mục đích cao cả của Đức Chúa Trời khi bổ nhiệm các sứ đồ, nhà tiên tri, nhà truyền giảng Tin Lành, mục sư, và giáo sư là để trang bị cho công tác phục vụ và xây dựng thân thể Đấng Christ. Hay nói cách khác, Đức Chúa Trời đặt để các chức vụ đó với mục đích xây dựng Hội Thánh của Chúa. Qua đó, Chúa dạy dỗ để chúng ta trưởng thành và đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ.
Có như vậy thì mọi điều chúng ta làm ở bất cứ môi trường nào cũng sẽ làm sáng danh Chúa.  

Một lẽ thật mà chúng ta cần phải nhận biết đó là: danh hiệu cao, vị trí cao đòi hỏi sự phục vụ tương xứng. Nếu bạn làm càng cao, trách nhiệm của bạn càng lớn. Tương tự, làm càng cao thái độ cần phải thay đổi nhiều. Do đó, khi ở vị trí cao, chúng ta phải phục vụ càng nhiều hơn nữa. Vì lẽ đó, lãnh đạo trong Chúa là một vị trí không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người đó cần có một lối sống hạ mình, khiêm nhường hết lòng phục cho vương quốc Đức Chúa Trời.  

Đức Chúa Trời tìm kiếm người mặc lấy tinh thần của người đầy tớ. Ngài ao ước chúng ta có một tấm lòng thà làm đầy tớ nhưng sống đẹp lòng Ngài, còn hơn mang lấy danh hiệu rồi khiến sự tập trung vào bản thân, dẫn đến xa rời Chúa.  

Nhiều người có thể dễ dàng cầu nguyện với Chúa, nói yêu Chúa nhưng không phải ai cũng thể hiện điều đó bằng lối sống đi kèm với hành động, là lối sống phục vụ người khác.

Vì thế, nếu chúng ta yêu Chúa, chúng ta đừng nên chỉ cầu nguyện mà thôi. Thay vào đó cũng hãy thể hiện ra bên ngoài bằng hành động là lối sống phục vụ, trong tất cả môi trường mà Chúa đặt để chúng ta.  

Ma-thi-ơ 23:11-12 (RVV11)
11Ai là người lớn hơn hết giữa các ngươi sẽ làm đầy tớ các ngươi. 12Hễ ai tự tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn người nào tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

Nhiều người khi đạt được những thành tựu nhất định như làm chủ doanh nghiệp, tập đoàn; họ rất dễ trở nên kiêu ngạo mà cho rằng bản thân mình vượt trội hơn người khác. Từ đó dẫn đến việc chỉ tập trung vào bản thân, tập trung vào những thành tựu khiến bản thân tự hào.

Đức Chúa Trời không vui lòng nếu chúng ta có thái độ như vậy, Chúa muốn chúng ta hạ mình trước Ngài và với cả anh chị em mình. Chúng ta không thể tự tôn mình lên nhưng chính Chúa là Đấng công chính sẽ tôn cao chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy để Chúa tôn cao mình lên chứ đừng tìm kiếm để tự tôn cao.  

3/ Hi sinh vì lợi ích chung

Điều gì anh chị em đã làm để thực sự gọi là hi sinh cho người khác?

Sự khác biệt rất rõ ràng của một người lãnh đạo và người khác đó chính là mục đích đằng sau đó.

Người bình thường tập trung vào ích lợi của cá nhân nhưng người lãnh đạo tập trung đến ích lợi của cộng đồng.

Một điều đáng thú vị thay, Đức Chúa Trời kêu gọi mỗi chúng ta để trở nên những người lãnh đạo, những người phi thường, quan tâm đến ích lợi của người khác và có tính cộng đồng. Đó là yếu tố cần thiết không chỉ để phát triển bản thân chúng ta mà còn phát triển vương quốc của Đức Chúa Trời.

Khoảng một nửa Kinh Thánh Tân Ước được viết bởi sứ đồ Phao-lô. Điều đó cho thấy ông cống hiến rất nhiều cho công cuộc xây dựng vương quốc Đức Chúa Trời. Ông đã đi rất nhiều nơi để xây dựng Hội Thánh và rao giảng Tin Lành. Ông đồng thời vừa giảng dạy Lời Chúa, vừa làm công việc may trại để trang trải chi phí sinh hoạt. Có thể thấy, công việc của ông rất áp lực. Tuy nhiên, không phải ở đâu ông cũng phải vất vả như vậy. Tại Hội Thánh Phi-lip, là một Hội Thánh tập trung phần lớn là tầng lớp trung lưu và hạ lưu của xã hội thời bấy giờ, ông đã được các tín đồ cung ứng đầy đủ chi phí để ông tập trung hoàn toàn cho việc giảng dạy thay vì phải dành thời gian may trại. Nhưng không vì thế mà ông dựa dẫm vào sự dâng hiến từ con người, ông tin vào sự cung ứng của Đức Chúa Trời là Đấng sẽ cung ứng cho ông dư dật.

Phao-lô đã chia sẽ thế này trong Phi-líp 4:18-19 (RVV11)
18Tôi đã có đầy đủ và đang dư dật. Tôi đã nhận đầy đủ quà tặng của anh em từ Ép-pa-phô-đích như một lễ vật tỏa hương thơm, một sinh tế được Đức Chúa Trời vui nhận và đẹp lòng. 19Đức Chúa Trời tôi sẽ cung ứng mọi nhu cầu của anh em theo sự giàu có vinh quang của Ngài trong Đấng Christ Jêsus.  

Như đã chia sẻ ở trên, Hội Thánh Phi-líp không phải là một Hội Thánh giàu có nhưng đã được Chúa sử dụng để ban phước dư dật cho sứ đồ Phao-lô. Không chỉ vậy, sự dâng hiến cách rời rộng của các tín hữu ở Hội Thánh Phi-líp là một sự hi sinh lớn cho lợi ích chung.
Qua đó, Phao-lô được khích lệ để tiếp tục dạn dĩ và có điều kiện để giảng dạy, mở mang Hội Thánh của Chúa.  

Kính thưa anh chị em, chúng ta đều được Chúa kêu gọi để trở nên người lãnh đạo. Đó là người lãnh đạo biết nghĩ đến và hành động vì lợi ích của người khác cũng như lợi ích chung của vương quốc Đức Chúa Trời hơn là chỉ nhìn thấy nhu cầu của riêng mình.  
Vì vậy, sự hi sinh vì lợi ích chung cần được thể hiện trong lối sống của mỗi một Cơ Đốc nhân chúng ta.  

Chúa Jesus không những là Đấng chúng ta thờ phượng… mà Ngài còn là nhà lãnh đạo tài ba, Ngài luôn là Đấng chúng ta học hỏi và noi theo. Mọi sự Ngài đã làm là đều vì cớ chúng ta. Ngài chịu chết để cho chúng ta được hưởng sự sống. Sự hi sinh Ngài đã chịu để mang lại lợi ích đời đời cho chúng ta.  

Vì lẽ đó, mỗi người hãy đồng một tâm tình như Ngài để trong mọi sự, người khác được phước qua đời sống chúng ta.  

Mác 10:45 (RVV11)
45Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.”

Vì Chúa đã hi sinh cho chúng ta nên chúng ta cũng hãy học tập để hi sinh cho nhau. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải bỏ đi cái tôi cá nhân để tập trung vào lợi ích chung. Nếu việc gì chúng ta có thể làm để mang đến lợi ích chung cho nhiều người khác thì hãy làm trong ơn và tình yêu của Chúa.  

Một người lãnh đạo khi có sự hi sinh và quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng sẽ tạo dựng nên một tập thể vững mạnh không gì có thể đánh bại họ. Vì vậy, mỗi một chúng ta hãy trở nên người lãnh đạo để cùng nhau chinh phục những linh hồn hư mất và xây dựng vương quốc Đức Chúa Trời vững mạnh.

Biên tập        

Trần Thanh Duy