Slideshow image

Đức tin là dấu hiệu tiên khởi, sự vâng lời là một quá trình.  

Đức Chúa Trời đang dò xét xem ai là người có lòng tin nơi Ngài. Mặt khác, đời sống của một người tin được bày tỏ rõ ràng hơn qua lối sống của người đó. Sự vâng lời Chúa là nhân cách cần có của một người có lối sống tin kính. 
Sự vâng lời Chúa là một nhân cách, lối sống cực kì quan trọng và cần thiết. Nó là chìa khoá của tất cả những sự phước hạnh trên cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta không vâng lời Chúa thì không thể truy cập đời sống phước hạnh được. 
Đức Chúa Trời biết rõ rằng khi một người vâng lời Ngài, người đó sẽ được sống trong sự sung mãn, phước hạnh về mọi mặt. Ngược lại, sự rủa sả sẽ đeo bám người nào không có sự vâng lời. 

Trong sách Phục truyền luật lệ ký chương 28, Môi-se đã viết một cách rất chi tiết về hai hình ảnh đối lập nhau. Một bên là những phước lành bao gồm sự thịnh vượng, sung túc, bình an, đắc thắng,… trên hết thảy mọi mặt. Bên còn lại là sự rủa sả, tuy nhiên sự rủa sả không chỉ dừng lại trên môi miệng mà sẽ được thực hiện qua những tai ương, bệnh dịch, giặc giã dẫn đến nước mất nhà tan và chịu sự khinh miệt của các dân tộc khác. Đây là những điều cực kỳ quan trọng mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ với Môi-se để ông truyền lại cho dân Israel trước khi vào đất hứa. Những sự phước lành và rủa sả được nói đến là những xu hướng mà người nghe là dân Do Thái được quyền tự do lựa chọn và Chúa không hề ép buộc một ai. Sự lựa chọn này thể hiện thông qua việc dân sự có vâng lời Chúa hay không.   

Anh chị em thân mến, Chúa đang tìm kiếm những người có sự vâng lời Ngài cách tự nguyện. Kinh Thánh có rất nhiều lời hứa cho những người tin. Những lời hứa tốt lành của Chúa sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, sự vâng lời Chúa là một quá trình để chúng ta nhận lãnh những lời hứa phước hạnh từ nơi Chúa.  
Vì thế, sự vâng lời rất thiết yếu đối với chúng ta nên hãy cùng nhau học hỏi để hình thành nhân cách này trong đời sống chúng ta.  

1/ Vâng lời là thái độ của tấm lòng  

Trước khi nói đến thái độ của tấm lòng, chúng ta cùng xem định nghĩa của sự vâng lời. Sự vâng lời là hành động của sự tuân theo, làm theo, phục tùng.
Ví dụ: Con cái vâng lời bố mẹ, đầy tớ vâng lời chủ, quan chức cấp thấp vâng lời và phục tùng quan chức cấp cao.  

Tuy nhiên, theo góc nhìn thần học, sự vâng lời là một phản ứng đúng đắn của chúng ta đối với lời Chúa. Tất cả những điều này phải xuất phát từ thái độ của tấm lòng. Nếu tấm lòng cứng cỏi, chai lỳ thì rất khó để làm theo, phục tùng người có thẩm quyền.

Chúa Jesus phán thế này trong Ma-thi-ơ 12:34b
Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra.

Chúng ta thấy, hành động bên ngoài chỉ là biểu hiện của tấm lòng bên trong như thế nào mà thôi. Nếu lòng chúng ta gian ác thì không thể làm những việc mang tính chất yêu thương. Nếu lòng chúng ta đầy dẫy sự cay đắng hận thù thì không thể nào mang lại sự bình an cho người khác.
Vì vậy, khi tấm lòng có thái độ vâng phục, chắc chắn người đó sẽ có những hành động kèm theo một cách vâng phục.  

Có nhiều người bên ngoài lời lẽ ngon ngọt, hoặc vì vị nể, không muốn làm mất lòng người khác nên đôi khi lời nói của họ chưa chắc đã thật sự đến từ tấm lòng, nhưng đến từ lý trí và sự mưu mẹo của bản thân.

Đối với Chúa, chúng ta cần nhận biết rằng chúng ta cần thuận phục Chúa hoàn toàn từ trong tấm lòng chúng ta. Con người có thể dùng lời nói hoặc hành động của mình để qua mắt người khác. Tuy nhiên, không ai có thể qua mắt Chúa. Ngài thấy rõ tấm lòng của mỗi người. Chúa thấu rõ mọi sự nhưng Ngài không ép buộc ai. Trên thực tế, Chúa ao ước chúng ta có một tấm lòng thuận phục, vâng lời Chúa.  

Hãy cùng xem trong
Châm ngôn 21:2 (RVV11)
Mọi đường lối của con người đều chính đáng theo mắt mình, Nhưng Đức Giê-hô-va đánh giá tấm lòng.

Phục truyền luật lệ ký 26:16 (RVV11)
16
“Hôm nay, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em truyền bảo anh em phải tuân giữ các luật lệ và mệnh lệnh nầy. Vậy anh em phải cẩn thận tuân giữ với cả tấm lòng và linh hồn mình.  

Sứ đồ Phao-lô và Gia-cơ đều có chép trong Kinh Thánh rằng hãy trở thành người làm theo lời Chúa bằng hành động chứ không phải chỉ nghe thôi.  
(xem thêm trong loạt bài về “Đức tin”)  

Sự vâng lời chính là hành động làm theo Lời Chúa. Hay nói cách khác, khi chúng ta làm điều gì chống nghịch lại với ý Chúa là chúng ta đang không vâng lời Ngài. Mặt khác, để hành động được thể hiện ra bên ngoài thì tấm lòng mỗi chúng ta phải ngay thẳng trước mặt Chúa. Cho nên để có khả năng vâng lời Chúa, trước hết chúng ta cần soi xét lòng mình. Qua đó chúng ta đánh giá và điều chỉnh thái độ của tấm lòng mình theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh.

Đôi lúc chúng ta có lối sống “bằng mặt mà không bằng lòng” để làm hài lòng người khác. Nhưng khi nói đến sự vâng lời Chúa, chúng ta luôn luôn cần thể hiện sự bằng lòng không hề do dự.

Sự vâng lời Chúa sẽ không quá khó nếu chúng ta biết dâng tấm lòng mình lên cho Chúa. Khi đó tấm lòng của chúng ta được Ngài tể trị, thái độ của chúng ta được Ngài hướng dẫn hầu cho mọi việc chúng ta làm đều nhận lãnh sự ban phước từ Đức Chúa Trời.  

2/ Vâng lời giúp chúng ta tránh khỏi mọi điều gian ác

Lời Chúa chính là sự chỉ dẫn cho mỗi chúng ta trong cuộc sống. Trong tất cả các lĩnh vực, bế tắc, trong tất cả các nan đề, khó khăn…, nếu chúng ta bám theo lời Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua.  

Nhiều người khi mới tin Chúa, họ chưa dám vâng lời Chúa hoàn toàn. Có những điều họ chọn làm theo, nhưng có những điều thì bỏ qua. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian bước đi với Chúa, họ nhận ra rằng những lúc không vâng lời Chúa là những lúc rước lấy bao nhiêu phiền muộn, rắc rối.   

Anh chị em có trải qua điều đó bao giờ chưa?
Có ai trong chúng ta chọn để không làm theo lời Chúa để rồi thất bại, chuốc lấy nan đề…?

Chúng ta có thể chắt lọc những điều xấu và tác hại của đời này nhưng chúng ta không nên chắt lọc lời của Chúa!

Điều này có nghĩa là chúng ta phải vâng lời Chúa trong mọi sự chứ không phải điều nào dễ thì làm theo còn điều nào khó thì để đó dù biết rằng đó là ý muốn của Chúa.  Khi nghe Lời Chúa, chúng ta không có quyền đánh giá hay sửa đổi như những điều của thế gian.

Chúng ta có thể đọc một quyển sách và chắt lọc cho mình những kiến thức, thông tin mà chúng ta cho là cần thiết, phù hợp.
Chúng ta có thể chọn một kiểu tóc, một phong cách thời trang mà mình thấy đẹp.
Chúng ta có thể đánh giá một ngôi nhà nên xây thế nào cho hợp lý
...

Chúng ta có thể có những thái độ suy xét, đánh giá những điều xung quanh tác động trực tiếp hay gián tiếp đến chúng ta.
Nhưng chúng ta không thể đánh giá, nhận xét Lời Chúa. Không ai trong chúng ta có quyền hoặc tư cách để tự mình đánh giá hoặc sửa đổi Lời Chúa vì Lời Chúa là chính Chúa.
Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời (Giăng 1:1)

Vì thế trước mặt Chúa, chúng ta cần phải vâng phục hoàn toàn. Hay nói cách khác, chúng ta phải đọc, suy ngẫm và làm theo Lời Chúa không chút do dự hay chắt lọc.  

Ngày nay có nhiều người khi giảng dạy Lời Chúa, họ chỉ chọn những điều họ thích để chia sẻ, còn những điều khác họ bỏ qua.   

Một trong những phong trào đang dần phổ biến khắp nơi trên thế giới là phong trào “Tin Lành Thịnh Vượng quá khích”. Phong trào này chỉ giảng về những phước lành trong Kinh Thánh. Mặc dầu Kinh Thánh nói rất nhiều về những ơn phước của Chúa, nhưng Kinh Thánh cũng nói về những sự rủa sả, những hậu quả tai hại của việc không vâng lời Chúa.

Kinh Thánh nói về cả hai phương diện này để chúng ta có cách nhìn tổng quát về Lời của Chúa như thế nào. Qua đó chúng ta biết được cách đưa ra những lựa chọn làm đẹp lòng Chúa.  

Có rất nhiều điều gian ác bủa vây chúng ta trong cuộc sống này. Vì Kinh Thánh nói rằng thế gian này đang thuộc dưới quyền lực tối tăm của ma quỷ. Cho nên chúng ta không thể tránh khỏi những điều gian ác đó. Không những vậy, nếu bạn tin Chúa, những điều đó còn nhiều hơn nữa, thách thức hơn nữa. Bí quyết để chúng ta không mắc phải những sự gian ác của đời này là hãy làm theo lời Chúa!

Áp-ra-ham (khi này ông vẫn còn tên là Áp-ram) cùng Lót là cháu mình ở cùng trong một vùng đồng bằng kia. Cả hai người đều có gia sản rất lớn đến nỗi đầy tớ của cả hai bắt đầu xích mích lẫn nhau vì không đủ đất để chăn thả gia súc. Lúc đó hai người họ đã quyết định chia ra để đến hai nơi khác nhau. Lót đã chọn đến ở trong vùng đồng bằng Giô-đanh có 2 thành là Xô-đôm và Gô-mô-rơ. Một thời gian sau khi Lót và gia đình ông đến đó, hai thành này vốn dĩ đã gian ác nay càng bại hoại hơn đến nỗi Chúa muốn tận diệt chúng. Chúa bày tỏ điều này với Áp-ra-ham và ông đã thương lượng, cầu xin Chúa tha cho họ nếu trong thành có người công chính. Ông lần lượt đưa ra số người từ 50 người xuống còn 40-30-20 thậm chí 10 người Chúa đều đồng ý cả. Nhưng trong cả hai thành đều không có được 10 người công chính nên kết quả là bị tận diệt.  Tuy nhiên Chúa cho hai thiên sứ đến giải cứu Lót và gia đình ông. Thiên sứ Chúa thông báo cho ông về tai họa sắp ập đến nhưng ông vẫn chần chừ chưa đi. Bởi lòng thương xót của Chúa, thiên sứ kéo ông cùng vợ và hai con gái ông ra khỏi thành này để tránh tai họa và dặn hãy chạy đi đừng dừng lại hay ngoảnh lại. Thế nhưng vợ của Lót trên đường chạy đã ngó lại đằng sau và bị biến thành tượng muối.

Kính thưa anh chị em, đừng nên dại dột mà làm điều trái nghịch với lời Chúa. Nhiều lúc sự hướng dẫn làm theo lời Chúa rất đơn giản, chúng ta chỉ cần làm theo thôi thì sẽ vượt qua khỏi sự nguy hiểm, rắc rối, thậm chí cái chết. Nhưng vì những mưu mẹo, nghi ngờ, hành động chống đối sự hướng dẫn của Chúa sẽ chuốc lấy hậu quả.

Con người ngày nay cũng vậy! Nhiều người yêu thích làm theo những điều của bản thân và ghét bỏ những điều của Chúa, thậm chí trong xã hội ngày nay, khi một người làm theo lời Chúa thì bị khinh thường, chế giễu.  

Tuy thế nhưng, lời Chúa bày tỏ rằng khi chúng ta vâng lời, chúng ta sẽ thoát khỏi những sự rủi ro bất thình lình, những sự đau thương khó lường trước được. Vì chúng ta đang ở trong thế gian, nơi mà Kinh Thánh nói là ở dưới quyền lực của ma quỷ. Tuy rằng, những nan đề và sự chết chóc vẫn đang diễn ra hằng ngày nhưng Kinh Thánh có sự chỉ dẫn giúp chúng ta cách vượt qua những điều đó bởi sự vâng lời.  

Lời Chúa trong Thi-thiên 119:100-101 (BPT)
100Tôi hiểu biết hơn các vị lãnh đạo lão thành,    
vì tôi tuân theo các mệnh lệnh Chúa.   
101Tôi đã tránh mọi lối gian tà    
để tôi vâng theo lời Ngài.

Sự vâng phục lời Chúa giúp mỗi chúng ta tránh xa các lối gian tà. Chưa hết, câu Lời Chúa trên còn nhấn mạnh về việc tuân theo Lời Chúa sẽ được gia tăng sự hiểu biết, gia tăng thêm ơn lành cho chính mình.   

Anh chị em thân mến, có thể lối sống trước đây của chúng ta đã hình thành quá nhiều sự gian ác và nan đề vì chúng ta không vâng phục Chúa. Hãy ngăn chặn những điều đó bằng sự vâng lời Chúa trong mọi hoàn cảnh. Hãy tập để sống vâng theo tiếng Chúa trong mọi tình huống của cuộc sống. Chắc chắn chúng ta sẽ được tự do khỏi nhưng nan đề, rắc rối không cần thiết.

#3 Vâng lời mở ra sự thành công trong mọi việc và trong mọi nơi

Thành công trong ngữ cảnh này bao gồm tất cả mọi phương diện của cuộc sống. Nhiều bản dịch còn sử dụng chữ ”thịnh vượng” để thể hiện rõ nét hơn sự thành công cụ thể như thế nào.  

Vua Đa-vít là một vị vua cực kì được ơn trước mặt Đức Chúa Trời và gặt hái được nhiều thành công bởi ông có sự vâng phục Chúa trong mọi việc. Đến cuối đời, khi mà đất nước đã vững mạnh hơn hết thảy các dân tộc xung quanh, ông dặn dò con trai mình là Vua Sa-lô-môn trước khi qua đời…  

1 Các Vua: 2:3 (RVV11)
Hãy giữ điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời muốn con giữ, tức là bước đi trong đường lối Ngài, gìn giữ những luật lệ, điều răn, mệnh lệnh, và sự dạy dỗ của Ngài như đã chép trong luật pháp của Môi-se, để con được thành công trong mọi việc con làm và mọi nơi con đi đến.

Vua Sa-lô-môn đã làm theo lời Chúa qua sự chỉ dẫn của Vua Cha là Đa-vít. Nhờ vậy ông đã được Đức Chúa Trời ban phước dư dật, ông trở nên người khôn ngoan nhất và giàu có nhất trên khắp đất.   

Michael Jackson được mệnh danh là “ông hoàng nhạc pop” vì tài năng và sự thành công của ông trong lĩnh vực âm nhạc. Giá vé của những show diễn của ông mặc dù rất cao nhưng vẫn có hàng ngàn người săn tìm.

Sự nổi tiếng và sự khôn ngoan của Vua Sa-lô-môn còn hơn thế nữa. Những người giàu có với địa vị cao trọng khắp nơi trên thế giới mang theo những lễ vật quý hiếm dâng lên để được nghe ông giảng dạy. Không chỉ vậy, sự giàu có của ông từ thời hơn 900 năm TCN vẫn đứng đầu thế giới cho đến ngày nay.  

Ngày nay khi chúng ta vâng lời Chúa, mặc dù không có sự đảm bảo rằng anh chị em sẽ trở thành tỷ phú nhưng điều chắc chắn rằng anh chị em sẽ được no đủ, Đức Chúa Trời sẽ cung ứng mọi nhu cầu của anh chị em. Không những vậy, anh chị em sẽ được thành công, thịnh vượng, thỏa lòng trong mọi đường lối mình.

Đây chính là lời hứa mà Chúa dành cho những ai biết vâng lời Ngài
Phục truyền luật lệ ký 5:33 (BPT)

33Hãy sống theo đường lối CHÚA là Thượng Đế đã truyền dạy để các ngươi được sống lâu và thịnh vượng trong xứ các ngươi sắp chiếm lấy.
Thi Thiên 128:1-2 (BPT)   
1Phúc cho người nào kính sợ Thượng Đế và vâng lời Ngài.   
2Ngươi sẽ vui hưởng điều tay mình làm ra,    
ngươi sẽ được phước về mọi phương diện.

Đúng như lời Kinh Thánh chép là người tin sẽ được phước về mọi phương diện như là: tinh thần, sức khỏe, tài chính; các mối quan hệ gia đình, xã hội,… và còn rất nhiều điều xung quanh đời sống chúng ta.
Khi chúng ta có Chúa, cho dù những nan đề ập đến chúng ta vẫn cảm thấy bình an vui thỏa vì chúng ta biết Chúa sẽ mở lối. Nhưng khi một người không vâng phục Chúa, mặc dù họ có tài sản đủ đầy nhưng không có sự bình an thật sự.

Chúng ta tin rằng Chúa sẽ ban phước cho chúng ta. Đây là một điều đúng đắn chúng ta cần tin, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải vâng lời Ngài để nhận lãnh được những phước hạnh đó.

Có nhiều người tin vào sự ban phước của Chúa nhưng lại có đời sống không vâng phục Ngài.  

Một người thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Jesus làm những điều lành nào để có được sự sống đời đời. Chúa đáp hãy tuân giữ các điều răn là chớ giết người; chớ gian dâm; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối, hãy hiếu kính cha mẹ và hãy yêu thương người lân cận như chính bản thân mình. Người thanh niên ấy thưa: “Tôi đã vâng giữ tất cả những điều nầy, tôi còn thiếu điều gì không?” Đức Chúa Jêsus đáp: “Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi, bán những gì mình có và phân phát cho người nghèo thì ngươi sẽ có kho báu ở trên trời; rồi hãy đến theo Ta.” Khi nghe lời nầy, thanh niên ấy buồn bã bỏ đi, vì anh ta có quá nhiều của cải. (Ma-thi-ơ 19:16-22)

Tưởng chừng như người giàu đó đã có đời sống xứng đáng trọn vẹn nhưng Chúa Jesus nhìn thấy tấm lòng người đó. Người giàu đó đã không thể từ bỏ sự giàu sang mà làm theo lời của Chúa Jesus.

Kính thưa anh chị em, chúng ta đừng nên như vậy! Sẽ có lúc Chúa bảo chúng ta chớ làm điều này, điều kia và sẽ có lúc Chúa thử thách chúng ta có dám vâng theo lời Ngài hay không. Hãy nghe theo tiếng Chúa!

Lời Chúa hứa rằng phần thưởng cho người vâng phục Ngài là rất lớn, kể cả khi còn ở đời này và phần thưởng đời sau khi về với Chúa. Vì vậy, đừng để bất cứ điều gì ngăn cản việc chúng ta vâng phục Ngài!  

Biên tập      

Trần Thanh Duy