Sự vâng lời Chúa chính là điểm mấu chốt từ tấm lòng. Thái độ vâng phục từ trong tấm lòng sẽ sản sinh hành động vâng phục theo Lời Chúa. Sự vâng lời cũng là một sự lựa chọn, đồng thời sự lựa chọn này hoàn toàn tự do, được quyết định bởi chúng ta. Kinh Thánh có Lời Chúa cho chúng ta làm theo, nhưng sự lựa chọn dựa trên tinh thần tự nguyện. Đức Chúa Trời luôn tìm kiếm những người có tấm lòng và có sự khao khát Ngài.
Để làm rõ hơn điều này, hãy trả lời các câu hỏi sau đây:
Có lẽ sẽ không mất nhiều thời gian để chúng ta trả lời những câu hỏi trên.
Đúng vậy, Đức Chúa Trời chính là tác giả của Kinh Thánh, Ngài đã soi dẫn, cảm thúc các nhà tiên tri viết nên Kinh Thánh cho loài người để qua đó, Chúa muốn chúng ta tin và vâng lời Ngài. Khi chúng ta không vâng lời thì mục đích của Kinh Thánh không được bày tỏ cách trọn vẹn.
Mặt khác, Đức Chúa Trời muốn mỗi chúng ta được phước và có đời sống sung mãn nên Ngài cực kì ưu tiên việc chúng ta tin và vâng theo lời Chúa.
I Các Vua 2:3a “Hãy vâng lời CHÚA là Thượng Đế con…”
Hãy cùng nhau tìm hiểu!
Sự vâng lời có nghĩa là nghe và làm theo.
Thật dễ dàng để trả lời đó là “sự không vâng lời”. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu sâu sắc điều này.
Theo góc nhìn của Kinh Thánh, sự không vâng lời chính là sự phản nghịch, chống đối. Người không vâng lời Chúa là người phản nghịch, chống đối Chúa.
Tiếp theo, chúng ta cùng tìm hiểu tế lễ là gì.
Trong Cựu Ước, các tế lễ là những điều Đức Chúa Trời dạy dân sự Ngài thực hiện để Chúa tha thứ những sự vi phạm của họ. Các tế lễ đó cũng là một hình thức thờ phượng Chúa. Cụ thể bao gồm tế lễ thiêu, tế lễ chay, tế lễ chuộc tội, tế lễ chuộc lỗi, và tế lễ thù ân.
Tế lễ là rất cần thiết đối với đời sống dân Y-sơ-ra-ên thời bấy giờ vì tùy theo nhu cầu mình mà họ dâng các tế lễ thích hợp lên cho Chúa. Kinh Thánh chép rằng Ngài sẽ vui nhậm các tế lễ đó và làm ơn, thương xót dân sự Chúa mỗi khi họ phạm tội hoặc mỗi khi họ dâng sinh tế thờ phượng Chúa. Điều này đã trở nên quen thuộc đối với dân Y-sơ-ra-ên và họ cực kì coi trọng việc thực hiện và giữ các tế lễ mà Đức Chúa Trời chỉ dẫn.
Ban đầu, dân Do Thái khi vào miền đất hứa không có vua mà chỉ có các quan xét là những người dẫn dắt dân sự. Họ thấy các dân xung quanh mình có vua và cũng muốn có như vậy nên đã cầu xin Chúa ban cho một vị Vua. Sau-lơ đã được Đức Chúa Trời lựa chọn và sứa sức dầu để làm vua đầu tiên trong lịch sử Do Thái. Vua Sau-lơ mặc dù rất được ơn trước mặt Đức Chúa Trời nhưng ông đã có những hành động không vâng lời Chúa dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Một lần kia vua Sau-lơ được Đức Chúa Trời sai đi đánh dân A-ma-léc dưới sự chỉ huy của vua A-ga. Chúa còn phán dặn phải tận diệt dân A-ma-lec và những gì thuộc về chúng, không bỏ sót thứ gì. Sau-lơ diệt hết thảy dân sự nhưng ông lại để vua A-ga sống và chừa lại những con gia súc béo tốt hơn hết trong bầy.
Sự không vâng lời của vua Sau-lơ đã khiến Đức Chúa Trời không hài lòng. Tiên tri Sa-mu-ên là người được Chúa sử dụng để đến nói với vua Sau-lơ thế này:
I Sa-mu-ên 15:22 (RVV11)
22Sa-mu-ên nói:
“Đức Giê-hô-va có vui thích về tế lễ thiêu và các sinh tế,
Bằng sự vâng theo tiếng phán của Ngài chăng?
Kìa, sự vâng lời tốt hơn sinh tế,
Sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.
Theo cách nhìn của Sau-lơ thì việc giữ lại các con chiên, gia súc mập mạnh cùng với vua A-ga là tốt vì đây là chiến lợi phẩm và con tin mang lại nhiều lợi ích. Ông đã thỏa hiệp với lợi ích trước mắt mà làm theo ý riêng thay vì vâng lời Chúa. Không những vậy, sự việc được ghi chép đi ngược lại hoàn toàn với Lời Chúa vì Chúa muốn và đã ra lệnh tận diệt tất cả, kể cả các súc vật không bất kể mập mạnh hay ốm yếu.
Mặt khác, việc Chúa phán với Vua Sau-lơ tận diệt sạch quân đội A-ma-léc và tất cả súc vật là một thử nghiệm để xem ông có vâng theo lời Chúa hay không. Cho dù những chiến lợi phẩm thu lại rất lớn, mang lại lợi ích cho Vua Sau-lơ và những người Y-sơ-ra-ên khác, Đức Chúa Trời không hề hài lòng về điều đó.
Có lẽ ngày nay chúng ta cũng lý lẽ với Chúa rằng con đi thờ phượng đều đặn, dâng hiến đều đặn, làm các việc từ thiện, giúp người có hoàn cảnh khó khăn, tham dự các buổi cầu nguyện và học Lời Chúa thường xuyên không xót bữa nào .v..v… Chưa chắc tất cả những điều đó đã làm hài lòng Chúa nếu chúng ta vẫn còn làm theo ý riêng của mình.
Hơn nữa, nếu chúng ta cho rằng chỉ cần làm tốt những điều trên là đủ, không cần vâng lời Chúa hoàn toàn thì rất dễ để chúng ta trở nên con người giống như vua Sau-lơ. Mặc dầu những điều tốt nêu trên là cần phải giữ đối với lối sống của một người tin, nhưng nếu chúng ta chống nghịch không vâng lời Chúa, thì tất cả những điều đó sẽ trở nên vô nghĩa trước mặt Ngài. Chúng ta cần biết rằng những lối sống tin kính đó không đảm bảo hoàn toàn vị trí của chúng ta trong Chúa. Hay nói cách khác, những điều đó không hoàn toàn làm vui lòng Chúa nếu chúng ta chỉ giữ lễ nghi nhưng không vâng phục Ngài.
Hãy cùng xem trong Ma-thi-ơ 7:21-23 (BD2011)
21“Không phải hễ ai nói với Ta, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa,’ thì sẽ được vào vương quốc thiên đàng đâu, nhưng chỉ người nào làm theo ý muốn của Cha Ta trên trời mà thôi. 22Ngày đó sẽ có nhiều người nói với Ta rằng, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi há chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, hoặc nhân danh Chúa mà đuổi quỷ, hoặc nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?’ 23Bấy giờ Ta sẽ đáp với chúng, ‘Ta không hề biết các ngươi; hỡi bọn làm việc gian tà, hãy đi ngay cho khuất mắt Ta.’”
Có không ít người được Chúa ban ơn để thực hiện các công việc đầy quyền năng như là cầu nguyện, chữa lành, đuổi quỷ,… Trong đó, nhiều người sau một thời gian bước đi thì trở nên kiêu ngạo, họ dần dần không còn cậy dựa vào Đức Chúa Trời nữa mà nghĩ rằng mình được ơn nên mình có thể làm được mọi sự theo ý riêng.
Những dấu kì, phép lạ được thực hiện qua một người cho dù lớn lao thế nào cũng không đảm bảo được người đó sẽ được ở với Đức Chúa Trời trong thiên đàng. Nếu chúng ta không vâng lời, Đức Chúa Trời sẽ nói rằng “Ta không hề biết các ngươi”, thậm chí chúng ta còn bị coi là “bọn làm việc gian tà ”
Các bạn thân mến, Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những người biết tin cậy, biết vâng lời Chúa hoàn toàn. Vì vậy chúng ta hãy vâng lời khi Ngài kêu gọi, vâng phục khi Chúa thử nghiệm chúng ta. Để được nhưng vậy, chúng ta cần phải tin cậy và làm theo Lời Ngài trong mọi sự cho dù là những hoàn cảnh chúng ta không có sự lý giải bởi tâm trí hạn hẹp của mình.
Trở lại hình ảnh Vua Sau-lơ phản nghịch chống đối mạng lệnh của Chúa. Ông đã bị Đức Chúa Trời từ bỏ và Kinh Thánh chép rằng thần Ngài lìa khỏi ông
I Sa-mu-ên 15:23 (RVV11)
23Sự phản nghịch đáng tội như tà thuật,
Sự ương ngạnh đáng tội như thờ lạy hình tượng.
Vì vua đã từ bỏ lời của Đức Giê-hô-va
Nên Ngài cũng từ bỏ vua, không cho vua cai trị nữa.”
Đây là một hậu quả cực kì tai hại đối với bất cứ người nào chứ không chỉ riêng Vua Sau-lơ.
Vua Sau-lơ đã được Chúa xức dầu làm vị Vua đầu tiên của người Y-sơ-ra-ên, ban đầu ông cũng là người có tấm lòng tìm kiếm Chúa. Chúa đã dùng ông để khích lệ, dứt dấy dân Y-sơ-ra-ên trong hoàn cảnh luôn luôn ở dưới áp lực từ phía dân Phi-li-tin. Thế nhưng, bởi đời sống kiêu ngạo, làm theo ý riêng và không vâng phục Chúa, ông đã bị từ bỏ khỏi ngôi Vua.
Không còn điều gì thê thảm hơn khi một vị Vua bị tước đoạt quyền cai trị. Điều này khiến ông trở nên như “một vị vua bù nhìn”.
1 Sa-mu-ên 16:14 (RVV11)
14Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ, Đức Giê-hô-va sai một ác thần quấy rối ông.
Sau khi Thần của Chúa rời bỏ Sau-lơ, ác thần đến quấy rối ông. Hay nói cách khác, khi chúng ta bị xa rời sự hiện diện của Chúa, chúng ta sẽ luôn luôn ở trong tình trạng nguy hiểm. Trong sự hiện diện của Chúa có sự bình an, vui thoả. Trong sự hiện diện của Chúa chúng ta sẽ được bảo vệ, che chở khỏi những sự tấn công của Ma Quỷ và các tà linh. Vì kẻ nắm quyền thế gian này là những thế lực tối tăm đang chực chờ tấn công chúng ta nên việc bị Chúa lìa bỏ là cơ hội để chúng dày vò, cắn nuốt chúng ta.
Dưới đây là các dẫn chứng lời Chúa đối với người vâng lời Ngài thì được ở trong sự hiện diện của Chúa như thế nào:
Sáng thế ký 28:15 (RVV11)
Nầy, Ta ở với con, con đi đâu, Ta sẽ theo gìn giữ đó, và đem con trở về xứ nầy. Ta không bao giờ bỏ con cho đến khi Ta hoàn tất những điều Ta đã hứa với con.”
Giô-suê 1:9 (RVV11)
Chẳng phải Ta đã truyền phán với con sao? Hãy mạnh dạn, can đảm! Chớ run sợ, chớ kinh hãi! Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con vẫn ở cùng con trong mọi nơi con đi.”
Thi-thiên 23:4 (BD2011)
Thật vậy, dù khi con đi qua thung lũng rợp bóng tử thần, Con sẽ chẳng sợ tai họa nào, Vì Ngài ở với con;
Chúa sẽ ở cùng chúng ta mọi lúc mọi nơi, cho dù trong thuận cảnh cũng như nghịch cảnh nếu chúng ta vâng lời Ngài. Đời sống tin cậy, vâng phục làm theo lời Chúa là điều thu hút Chúa vô cùng. Ngài không hề khinh dễ hay từ chối người khao khát tìm kiếm Chúa. Nhờ đó, chúng ta sẽ luôn luôn kinh nghiệm được ở trong sự hiện diện của Ngài. Và khi được ở trong sự hiện diện của Chúa, không có điều gì có thể làm hại chúng ta, không ai có thể chống nghịch mà thắng được chúng ta, cũng chẳng điều gì có thể làm chúng ta sợ hãi.
Rô-ma 8:31 (RVV11)
Vậy, chúng ta sẽ nói gì về những việc nầy? Nếu Đức Chúa Trời đứng (ở cùng) về phía chúng ta thì còn ai nghịch với chúng ta?
Kính thưa anh chị em, được ở cùng với Đức Chúa Trời là một điều vô cùng năng quyền. Khi có Chúa ở cùng, chúng ta trở nên một con người mạnh mẽ, quyền năng, bước đi không nao núng trước kẻ thù. Bởi chúng ta biết rằng mình đang ở trong tình trạng được bao phủ, bảo vệ bởi Đấng toàn năng. Những sự chống nghịch của kẻ thù sẽ không là gì trước mắt chúng ta.
Trước tiên, chúng ta cần hiểu rằng, tội lỗi là điều Đức Chúa Trời cực kì ghét. Vì tội lỗi là quá trình làm một điều gì đó chống nghịch hay đi ngược lại với lời Chúa.
Ví dụ: Lời Chúa dạy hãy yêu thương, nhưng khi chúng ta thù ghét nhau là phạm tội Lời Chúa dạy hiếu kính cha mẹ, nhưng sự hỗn nghịch, chửi rủa cha mẹ là phạm tội.
Lời Chúa dạy chớ trộm cắp nên việc trộm cắp cũng là tội lỗi …
Lời Chúa trong Thi-thiên 5:4 (RVV11) có chép
Vì Chúa chẳng phải là Đức Chúa Trời bằng lòng với điều ác;
Kẻ ác sẽ không được ở với Chúa.
Chúa không hề bằng lòng về tội lỗi và Ngài không ở cùng tội lỗi. Tội lỗi làm bóp méo lời chân lý của Đức Chúa Trời nên nó cần được vứt bỏ trong đời sống mỗi chúng ta.
Khi mà con cái không vâng lời thì dĩ nhiên ba mẹ sẽ rất buồn lòng. Cũng một lẽ ấy, Chúa sẽ rất buồn lòng khi mà chúng ta không vâng lời Ngài.
Có những người con rất vâng lời ba mẹ nhưng cũng có những người con luôn làm trái ý ba mẹ. Cũng có những người con để vâng lời cần có lý do thuyết phục, nếu không thì cũng chẳng chịu nghe theo. Với những trường hợp như vậy, sự thỏa hiệp đã xảy ra. Ba mẹ cần phải đáp ứng điều gì đó để con cái làm theo hoặc chúng sẽ đưa ra vô số lý do để trốn tránh việc vâng lời.
Kính thưa anh chị em, chúng ta đừng nên như thế. Cho dù Chúa phán với chúng ta bất kỳ điều gì thì chúng ta cũng đừng thỏa hiệp với Chúa. Ngài phán thì chúng ta phải nghe và làm theo. Đừng cố gắng tránh né hay tìm lý do để không vâng phục Ngài. Thay vào đó, chúng ta chọn làm theo lời Chúa là sống một đời sống nói không với tội lỗi.
Thật ra, đây là một điều cực kì thách thức cho mỗi chúng ta vì con người chúng ta rất dễ trở nên xác thịt và làm theo những điều trái nghịch với ý Chúa.
Đó là lý do Chúa Jesus đến, chết thay cho chúng ta. Ngài gia tăng ân điển cho chúng ta một cách lâu dài để mỗi khi chúng ta vi phạm bất cứ điều gì, chúng ta ăn năn thì Chúa sẽ ngay lập tức tha thứ và làm tươi mới chúng ta.
A-đam và Ê-va đã không vâng lời Chúa khi ăn trái cây Chúa cấm không được ăn. Qua đó, Kinh Thánh bày tỏ rằng tội lỗi đã vào thế gian.
Nếu họ đã vâng lời Chúa thì chắc chắn tội lỗi không thể vào thế gian như ngày nay. Chính sự không vâng lời Chúa của A-đam và Ê-va là nguyên nhân khiến cho tội lỗi vào thế gian. Hay nói cách khác, khi chúng ta không vâng lời là khi chúng ta đang mở cánh cửa cho tội lỗi, chúng ta đang tự mình bước vào trong vùng nguy hiểm của tội lỗi.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cần có sự thuận phục đối với những người có thẩm quyền trên mình như là: con cái vâng lời ba mẹ, nhân viên vâng lời lãnh đạo,… Vì đó là ấn chứng đầu tiên giúp cho chúng ta vâng lời Chúa trong cuộc đời mình. Nếu chúng ta không thể vâng phục trong những hoàn cảnh đó thì không thể nào có đời sống vâng phục Chúa.
Mỗi khi chúng ta sống thực hành làm theo lời Chúa là chúng ta đang đóng lại các cánh cửa của tội lỗi có khả năng tràn vào đời sống chúng ta.
Đứng trước những cám dỗ để làm những điều gian ác, chống nghịch lại lời Chúa, đôi lúc rất khó khăn với chúng ta. Tuy nhiên, Lời Chúa nói rằng Đức Thánh Linh là Thần dẫn dắt chúng ta vào mọi lẽ thật, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta, nhắc nhở chúng ta để hầu chúng ta tránh khỏi làm theo những cám dỗ của thế gian.
Sự vâng lời Chúa hay không là thử thách đối với mỗi chúng ta nhưng đồng thời đó là cũng là cơ hội Chúa ban để chúng ta ngày càng kinh nghiệm và tin cậy Ngài hơn. Vì vậy, hãy vâng lời Chúa và nói không với đời sống tội lỗi hay bất cứ điều gì đi ngược lại với lời Chúa để chúng ta luôn ở trong sự bảo vệ cũng như ở trong sự phước hạnh của Ngài.
Biên tập
Trần Thanh Duy