Trong các bài học trước, chúng ta đã nắm được tầm quan trọng của việc vâng lời Chúa trong đời sống bước đi theo Ngài.
Vì thế, để vâng lời Chúa một cách đẹp lòng Ngài, tiếp theo đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểm “làm thế nào để vâng lời Chúa”.
Bài viết này không chỉ giúp chúng ta nhận biết tầm quan trọng của việc vâng lời Chúa thôi mà còn là sự khích lệ cho mỗi người về việc thực hành một lối sống vâng lời mỗi ngày.
Thực hành chính là hành động cụ thể, hay còn gọi là thực tập. Vì vậy, trong quá trình thực thành một đời sống vâng lời Chúa, có thể sẽ có lúc chúng ta thành công cũng có thể sẽ có những sự khó khăn khiến chúng ta dễ dàng vấp ngã.
Tuy nhiên, anh chị em đừng nản chí và cũng đừng bỏ cuộc. Hãy cậy dựa vào ân điển Chúa mà tiếp tục bước đi, tiếp tục thực hành lời Chúa cho đến khi nào chúng ta làm được điều này một cách trọn vẹn mới thôi.
Kính thưa anh chị em, để sống một đời sống vâng lời Chúa đối với bất kỳ ai là không hề dễ dàng gì thậm chí đôi lúc cảm thấy rất khó khăn, vì nó đòi hỏi sự hy sinh.
Khi nghe đến hi sinh, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến việc hi sinh công sức, tiền bạc, thời gian,… hoặc là những người lính hi sinh mạng sống mình trong chiến tranh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tiếng Hê-bơ-rơ, sự hi sinh này là một sự kết liễu hay một sự giết chết.
Điều này có nghĩa gì?
Điều này có nghĩa là khi chúng ta dám hi sinh để vâng lời Chúa thì đồng nghĩa với việc chúng ta dám chết đi bản ngã xác thịt của mình để vâng lời và làm theo lời Ngài.
ĐÓ LÀ LÝ DO TẠI SAO VIỆC VÂNG LỜI CHÚA KHÔNG HỀ DỄ DÀNG!
Chúng ta có thể nhận thấy rằng, với những cặp đôi đang hẹn hò với nhau, việc nói lời yêu thương như “anh yêu em”, hay “em yêu anh” là một điều dễ dàng, thậm chí như một câu cửa miệng.
Trái lại, việc nói lời yêu thương lại trở nên khó khăn đối với những cặp vợ chồng đã kết hôn lâu. Bên cạnh đó việc nói “con yêu ba mẹ” cũng trở nên khó khăn hơn khi người ta ngày càng lớn lên.
Chúng ta đều biết rằng bản thân mình rất yêu người vợ, người chồng của mình cũng như rất yêu thương ba mẹ, nhưng tại sao cảm thấy rất “ngại” để nói ra. Thực chất, để nói lời yêu thương, bản thân mỗi người cần phải hi sinh cái tôi của mình.
Việc vâng lời Chúa cũng tương tự như vậy, nhiều lúc chúng ta phải hi sinh, phải giết đi bản chất xác thịt của mình để thuận phục và làm theo lời Chúa dạy.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ đập vào mắt và tâm trí chúng ta mỗi ngày. Chưa hết, có nhiều điều cám dỗ chúng ta để kéo chúng ta ra xa cách Chúa. Và khi càng lún sâu vào, việc vâng lời Chúa càng trở nên khó khăn, thách thức.
Anh chị em thân mến, đôi lúc chúng ta cần phải hi sinh những điều của xác thịt mới có thể vâng lời Chúa. Nếu chúng ta vẫn còn níu giữ những điều của thế gian này mà đi ngược lại với Lời Chúa, thì việc vâng lời Chúa sẽ trở nên khó khăn hơn.
Hãy cùng xem trong 1 Phi-ê-rơ 1:13-14 (RVV11) Lời Chúa chép thế này
13Vậy, anh em hãy chuẩn bị tâm trí, hãy tiết độ, đặt hi vọng hoàn toàn vào ân điển sẽ ban cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra. 14Như con cái biết vâng lời, anh em đừng chiều theo những dục vọng lúc trước, khi anh em còn mê muội.
Kinh Thánh bày tỏ với chúng ta rằng hãy vâng lời Chúa như con cái vâng lời ba mẹ và đừng chiều theo những dục vọng của xác thịt khi chúng ta còn là người hư mất.
Trước đây, chúng ta khi chưa biết Chúa là lúc chúng ta còn mê muội như lời Kinh Thánh chép. Sự mê muội đó dẫn chúng ta đến những dục vọng của thế gian. Nhưng giờ đây, chúng ta đã là công dân nước Thiên Đàng, chúng ta được Lời Chúa xác nhận là con cái của Đức Chúa Trời chí cao, là Đấng thánh khiết vô cùng.
Vì vậy, mỗi một chúng ta hãy rủ bỏ lối sống làm theo xác thịt và những điều của thế gian. Hay nói cách khác, để làm vui lòng Chúa chúng ta cần phải hi sinh những dục vọng xác thịt của mình mà tìm kiếm những điều của Đức Chúa Trời. Khi đó, ơn phước của Ngài chắc chắn sẽ tuôn đổ trên chúng ta.
Là một Cơ Đốc nhân, chúng ta đều biết rằng việc đọc Lời Chúa cực kì quan trọng đối với đời sống mỗi người, nhưng để tạo được thói quen đọc Lời Chúa mỗi ngày thì còn quý giá hơn. Thói quen đó chắc chắn sẽ tạo ra sự bứt phá trên cuộc đời chúng ta.
Đối với Hội Thánh Vnextgen nói riêng cũng như các Hội Thánh tôn vinh Đấng Christ nói chung thì việc bám sát vào Lời Chúa là cực kì quan trọng. Cụ thể, Lời Chúa chính là giá trị cốt lõi, là nền tảng của Hội Thánh Chúa.
Khi chúng ta dành thời gian đọc Lời Chúa là khi chúng ta đang ăn uống thức ăn thuộc linh để nuôi dưỡng cho con người thuộc linh bên trong của mình. Con người thuộc linh mạnh mẽ thì con người thuộc thể mới mạnh mẽ. Ngược lại, con người thuộc linh yếu đuối thì con người thuộc thể cũng trở nên thiếu sức sống.
Vì vậy, việc chúng ta đọc Lời Chúa mỗi ngày có tác động rất lớn đến đời sống của chúng ta. Đời sống đó được thể hiện qua con người thuộc thể hằng ngày của chúng ta.
Có những điều lâu lâu xảy ra hoặc dấy lến một lần, chúng ta gọi đó là phong trào hay là một hiện tượng. Mặt khác, những điều xảy ra thường xuyên, liên tục thì nó trở nên như một cuộc cách mạng. Hiện tượng, phong trào dấy lên rồi vụt tắt nhưng cuộc cách mạng thì xảy ra lâu dài mang tính chất thay đổi, bứt phá.
Việc đọc Lời Chúa cũng giống như vậy! Nếu lâu lâu chúng ta mới đọc một lần, nó chỉ là một phong trào dấy lên rồi lại tắt. Lúc này, tâm linh chúng ta như mảnh đất khô cằn lâu năm gặp một cơn mưa bất chợt, khi mưa tan thì đất lại khô. Nhưng nếu chúng ta đọc Lời Chúa mỗi ngày, đó là một cuộc cách mạng cho một đời sống thuộc linh lâu dài, kinh nghiệm sự bứt phá về mọi mặt. Khi đó, tâm linh chúng ta sẽ được Lời Chúa nuôi dưỡng, đời sống chúng ta sẽ sản sinh ra những bông trái Thánh Linh.
Chúng ta không thể sống một đời sống vâng lời Chúa nếu chỉ đọc lời Chúa theo phong trào. Vì cuộc sống này vẫn tiếp diễn, chúng ta cần phải duy trì con người thuộc linh mạnh mẽ để chống chọi lại với các mưu chước cũng như sự tấn công của ma quỷ và các thế lực đen tối.
Cơ thể chúng ta cần ăn uống để duy trì sự sống, xe cộ thì cần đổ nhiên liệu để tiếp tục di chuyển, v.v. Cũng một lẽ đó, con người thuộc linh chúng ta cũng cần thức ăn thuộc linh là Lời Chúa để chống chọi lại những điều gian ác của đời này. Như lời Chúa có chép “Hãy tận dụng thì giờ, vì thời buổi nầy thật đen tối. (Ê-phê-sô 5:6)”
Vì thế, chúng ta hãy sẵn sàng cho cuộc cách mạng tìm kiếm Chúa được biểu hiện cụ thể qua lối sống đọc Lời Chúa mỗi ngày. Có như vậy thì chúng ta mới có thể vâng phục Chúa và thuận theo ý muốn của Ngài trong các hoàn cảnh của cuộc sống.
Lời Chúa trong Giô-suê 1:8 (RVV11) có chép
Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng con, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép trong đó. Vì như thế, con mới được thịnh vượng trong con đường mình và mới thành công.
Đức Chúa Trời đã biết trước rằng dân sự Ngài cần Lời Chúa như thế nào, cho nên Ngài phán hãy suy ngẫm Lời Chúa ngày và đêm để cẩn thận làm theo. Vì vậy, chúng ta ngày nay cũng cần học cách để đọc Lời Chúa mỗi ngày để biết được ý muốn của Chúa.
Nếu không biết Lời Chúa thì làm sao có thể vâng lời Ngài? Và nếu không sống vâng lời Ngài thì làm sao chúng ta có thể kinh nghiệm một đời sống phước hạnh, bứt phá.
Kính thưa anh chị em, việc vâng lời Chúa chung quy lại là vì lợi ích của mỗi chúng ta. Đức Chúa Trời muốn chúng ta nhận được phần thưởng và những sự tốt lành từ Ngài. Vì vậy, sự vâng lời Chúa đòi hỏi việc đọc lời Chúa hằng ngày của mỗi chúng ta.
Hơn nữa, việc đọc Lời Chúa mỗi ngày đòi hỏi bước đầu cần có sự cố gắng kỷ luật bản thân để nó trở nên một thói quen.
Không quan trọng là chúng ta bắt đầu đọc từ đâu hay đọc theo kế hoạch nào vì ngày nay nhờ các phương tiện hỗ trợ, chúng ta có những kế hoạch đã được lên sẵn trong các phần mềm, ứng dụng. Điều quan trọng là chúng ta cần duy trì đều đặn việc đọc Lời Chúa mỗi ngày như việc chúng ta ăn uống nuôi dưỡng cơ thể.
Khi chúng ta đọc lời Chúa, chúng ta sẽ biết được ý muốn của Ngài, còn khi chúng ta cầu nguyện, Chúa sẽ ban ơn để chúng ta làm theo ý muốn của Ngài! Cả hai đều rất quan trọng và cần thiết. Sự cầu nguyện giúp chúng ta gần gũi Chúa hơn. Không những thế, nó còn giúp chúng ta kích hoạt một đời sống làm theo Lời Chúa dễ dàng hơn.
Các bạn thân mến, có những hoàn cảnh mà khi vâng lời chúng ta sẽ cảm thấy đau đớn vô cùng. Nhưng kết quả sau cùng chắc chắn sẽ tốt lành, bình an. Khi Đức Chúa Trời kêu gọi hay phán dạy chúng ta một điều gì đó, nó đòi hỏi chúng ta phải đi ra khỏi nơi thoải mái, quen thuộc của mình. Điều đó sẽ rất thách thức và thậm chí đau đớn.
Trong bài viết trước chúng ta đã nghe đến sự vâng phục của Chúa Jesus khi Ngài cầu nguyện ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê trong đêm trước khi bị phản nộp. Tại hoàn cảnh đó, Chúa rất đau đớn về phần tâm linh lẫn thân xác mình nhưng Ngài vẫn cầu nguyện rằng ”Ý Cha được nên”
Mặc dầu sẽ có lúc sự vâng lời Chúa không hoàn toàn thoải mái, nhưng hãy học theo Chúa Jesus mà nói rằng” Ý Cha được nên”, xin ý Chúa được nên trên cuộc đời chúng ta. Không những vậy, chúng ta hãy cầu nguyện mà trình dâng lên Ngài mọi sự trong mọi hoàn cảnh để Chúa có thể giúp chúng ta.
Hãy cùng xem phân đoạn Kinh Thánh trong
Phi-líp 4:6-7 (RVV11)
6Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. 7Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jêsus. Một phân đoạn khác còn nói rằng
1 Tê-sa-lô-ni-ca 5: 16-18 (RVV11)
16Hãy vui mừng mãi mãi, 17cầu nguyện không thôi; 18hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Jêsus.
Cầu nguyện không thôi ở đây là sự cầu nguyện lâu dài, bền bỉ đến nỗi trở nên một thói quen. Điều này nói đến một đời sống cầu nguyện mỗi ngày không chấm dứt, thậm chí cầu nguyện nhiều lần trong ngày.
Nhà tiên tri Đa-ni-ên biệt riêng một ngày cầu nguyện 3 lần, nài xin Đức Chúa Trời cứu lấy dân sự mình. Ông vẫn duy trì việc cầu nguyện như vậy cho dù vua đã ra sắc lệnh hể ai cầu nguyện với thần nào khác ngoài vua sẽ bị ném vào hang sư tử. Điều này đẹp lòng Chúa nên Ngài đã cho thiên sứ bịt miệng sư tử để Đa-ni-ên được bình an.
(Đa-ni-ên 6)
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy trung tín như Đa-ni-ên trong việc cầu nguyện. Vì khi chúng ta cầu nguyện là chúng ta đang làm trọn Lời Chúa và đó cũng là một sự vâng lời đẹp lòng Ngài.
Các chiến sĩ trước khi ra trận đều phải được trang bị vũ khí kĩ lưỡng cùng với việc trải qua huấn luyện gian khổ nếu không có thể chết trên chiến trường bất cứ lúc nào.
Cầu nguyện cũng giống như vậy! Khi chúng ta cầu nguyện, tâm linh chúng ta được trang bị vũ khí thuộc linh để bảo vệ chúng ta khỏi những sự tấn công của kẻ thù. Không chỉ vậy, cầu nguyện khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn để có thể vượt qua những cám dỗ trong cuộc sống hầu chúng ta có thể vâng phục Chúa.
Là Cơ Đốc nhân, cũng là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta hãy sống một đời sống vâng lời Chúa trong mọi hoàn cảnh. Mỗi một chúng ta hãy rèn luyện kỷ luật bản thân trong việc đọc lời Chúa cũng như cầu nguyện mỗi ngày, thường xuyên. Đồng thời cậy dựa sức Ngài mà giết đi những điều thuộc về xác thịt đang ràng buộc, cầm giữ chúng ta gây cản trở chúng ta trong việc vâng giữ lời Chúa. Qua đó, chúng ta sẽ ngày càng gặt hái nhiều thành công và kinh nghiệm sự bứt phá trong mọi đường lối mình.
Biên tập
Trần Thanh Duy